Cú cắt giảm chưa từng có

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác (thường được gọi là OPEC+) vừa chốt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu theo ngày ở mức nhiều chưa từng có trong lịch sử: giảm 9,7 triệu thùng/ngày.

Đây là kết quả sau một tuần đàm phán căng thẳng và hơn một tháng vận động “con thoi” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với những cú điện đàm riêng với tổng thống Nga Vladimar Putin, Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, với G20 vả cả Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador.

Vướng mắc cuối cùng là Mexico cũng đã được giải quyết, các nước đồng ý cho Mexico chỉ cắt giảm 100 ngàn thùng, thay vì 400 ngàn thùng dầu/ngày (23% tổng sản lượng nước này) như thỏa thuận ban đầu. Đây là một trường hợp ngoại lệ.

{keywords}
Ông Donald Trump cảm ơn ông Putin và Thái tử Saudi Arabia về thỏa thuận.

Theo thỏa thuận cuối cùng, OPEC và các nước đối tác dẫn đầu là Nga đã nhất trí giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày từ đầu tháng 5 đến tháng 6/2020 để cân bằng nguồn cung - cầu nhiên liệu (thay vì 10 triệu thùng như trước đó). Mức cắt giảm nguồn cung sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020 và giảm tiếp 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng ở mức 8,5 triệu thùng mỗi ngày, thấp nhất kể từ năm 2011, sau khi bất ngờ nâng sản lượng lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày như một biện pháp trả đũa với Nga.

Đây có thể xem là một sự nhượng bộ đáng kể của Saudi Arabia và cũng là một sự lùi bước của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Về cơ bản, kết quả lần này không khác gì mấy so với nội dung đã được các bên bàn thảo trong cuộc họp thất bại của OPEC+ hồi đầu tháng 3, khi đó Nga không chấp thuận tăng cường cắt giảm sản lượng, khiến Saudi Arabia mở một cuộc chiến dầu khí: tăng vọt sản lượng và giảm mạnh giá dầu, khiến giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng vào cuối tháng 3.

Quyết định hợp tác trở lại cho thấy sự nhượng bộ của cả hai ông lớn dầu khí. Nó cũng cho thấy cú giảm sốc xuống 20 USD/thùng của giá dầu trong một thời gian rất ngắn đã thay đổi thái độ của cả hai nước, vốn có nền kinh tế phụ thuộc chính vào dầu mỏ.

Mặc dù có giá thành sản xuất dầu rất thấp nhưng Saudi Arabia có lẽ cũng không dám "chơi tới bến" với Nga. Hơn thế, Saudi Arabia là đồng minh của Mỹ và đương nhiên phải chú ý đến thái độ của Nhà Trắng, nhất là khi ông Trump đã có những cuộc gọi trực tiếp và cần sự hỗ trợ để tránh một thảm họa cho ngành năng lượng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

{keywords}
Cuộc chiến dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia tạm kết thúc.

Giá dầu dự báo vẫn khó tăng mạnh

Trong một câu tweet, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây là một “thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả”, giúp hàng trăm ngàn người làm việc trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ giữ được việc làm.

Theo giới quan sát, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là một thắng lợi của ông Donald Trump.

Thỏa thuận đã giúp chấm dứt chiến tranh dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia về dầu khí trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu của thế giới đối với mặt hàng vàng đen này tụt giảm chưa từng có. Ông Trump chính là người đã ra tay can thiệp để các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng Mỹ lại là nước không phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Trên thực tế, điều này có thể được giải thích là bởi nước Mỹ sản xuất dầu theo tín hiệu của thị trường, không theo quota áp đặt. Khi giá dầu giảm sâu thời gian gần đây, sản lượng dầu của Mỹ đã tụt giảm, mà như ông Trump nói là “các công ty Mỹ giảm sản xuất ở khắp mọi nơi".

Trước đó, theo Reuters, một số ngân hàng lớn của Mỹ, gồm JPMorgan Chase & Co, Wells Fargo & Co và Bank of America Corp đã phải lên kế hoạch đối phó nguy cơ phá sản trong ngành năng lượng. Đây là một động thái chưa có tiền lệ kể từ năm 1980 và ngay sau khi có dự báo cho rằng, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có trong lịch sử về số lượng dàn khoan dầu.

Trên thực tế, thỏa thuận của OPEC+ đã ngay lập tức kéo giá dầu đi lên, dầu WTI tăng 3,8% lên trên 23,6 USD/thùng, dầu Brent tăng 3,2% lên 32,5 USD/thùng.

{keywords}
Ông Donald Trump là người đứng sau thỏa thuận lịch sử của OPEC+.

Tuy nhiên, giá dầu được dự báo sẽ khó tăng mạnh bởi lượng cắt giảm vẫn chưa tương xứng với sự sụt giảm sức cầu đối với mặt hàng này trong bối cảnh nền kinh tế của gần như toàn bộ các nước trên thế giới đang bị đình trệ bởi do virus corona gây nên. Vài tỷ người dân thế giới đang bị hạn chế đi lại, các nhà máy xí nghiệp, thành phố đóng cửa ở nhiều nơi.

Dù vậy, theo đánh giá của nhà phân tích Per Magnus Nysveen đến từ Rystad Energy chia sẻ trên CNBC, thỏa thuận lịch sử lần này ít nhất cũng mang đến một sự giải cứu tạm thời cho ngành công nghiệp năng lượng và cho nền kinh tế toàn cầu cho dù mức cắt giảm kỷ lục lần này vẫn thấp hơn so với những gì mà thị trường mong đợi.

Trong khi đó, theo đánh giá của một đại diện đến từ mảng phân tích thị trường hàng hóa của Tập đoàn Citi, quyết định cắt giảm trong thỏa thuận lịch sử này sẽ có tác động nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm và sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 40 USD/thùng vào cuối 2020. Nhưng trước mắt, vẫn sẽ có những vết đau trong ngắn hạn khi mà các thị trường tài cân bằng trở lại. Đơn giản là bởi vì đã quá muộn để có thể ngăn một sự tích tụ lượng dầu dự trữ khổng lồ, với khoảng hơn 1 triệu thùng trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 cho tới cuối tháng 5.

Giá dầu được dự báo chưa thể sớm xoay chuyển. Dịch bệnh Covid-19 đang làm cho nhu cầu về dầu lửa trên thế giới giảm đi ít nhất từ 20-30 triệu thùng/ngày và chưa biết khi nào mới dừng lại. Hơn thế, cũng chưa có gì đảm bảo rằng các nước trong liên minh sẽ tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận nói trên.

M. Hà