Thị trường tài chính vài năm gần đây diễn biến khó lường. Đây là lúc các nhà lãnh đạo như tổng thống Nga Putin hay thủ tướng Đức Merkel tính chiến lược mới. Trong khi Nga tăng cường thu mua vàng thì Đức chuyển hàng trăm tấn từ Mỹ và Pháp về nước.
Rút vàng thủ thế
Theo Reuters, chính phủ của bà Angela Merkel vừa hoàn thành việc chuyển hàng trăm tấn vàng, trị giá khoảng 31 tỷ USD, từ Mỹ và Pháp về nước và lưu giữ tại Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) sớm hơn thời hạn đề ra trước đó.
Tổng cộng, 743 tấn vàng, trước đó được gửi tại các ngân hàng trung ương Mỹ và Pháp, đã được mang về. Đây là một bất ngờ đối với giới tài chính thế giới. Bởi, chiến lược giữ tiền ở các trung tâm tài chính hàng đầu như New York, Paris, London,... không chỉ để đảm bảo an toàn mà còn phục vụ cho việc thanh toán nhanh.
Vàng lưu trữ tại các trung tâm tài chính thế giới có thể nhanh chóng được chuyển thành bảng Anh hoặc USD trong những trường hợp khẩn cấp.
Nước Nga của ông Putin đẩy mạnh mua vàng. |
Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, phần lớn số vàng dự trữ của người Đức ở nước ngoài đã được đưa về nước. Theo CNN, Bundesbank cho biết, mục đích chuyển vàng về để giúp xây dựng lòng tin của người dân trong nước.
Trước đó, chính phủ Đức đã phải chuyển vàng sang các nước khác để tránh dự trữ vàng rơi vào tay Liên Xô. Bên cạnh đó, phần lớn số vàng cất giữ ở nước ngoài được mua bằng những đồng USD mà Đức thu được nhờ xuất khẩu hàng hóa sang các nước.
Trong khi Đức ra sức rút vàng về nước thì tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng tăng tốc gom vàng nhằm đối phó với nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia. Năm 2016 khi vàng xuống đáy, chính quyền nước Nga đã mua hàng chục tấn vàng, vượt qua cả Trung Quốc.
Cả Nga và Trung Quốc đều tập trung đẩy mạnh dự trữ bằng vàng. Theo IMF, trong vài năm gần đây, Nga và Trung Quốc chiếm gần 85% lượng vàng mà ngân hàng trung ương các nước mua vào.
Trước đó, năm 2014, Nga đã phải trải qua một cú sốc đồng rúp tụt giảm sau khi đất nước của ông Putin bị cấm vận kinh tế và giá dầu tụt giảm. Chính quyền Putin đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để ngăn chặn đà sụt giảm nhưng bất thành. Dự trữ ngoại hối của Nga giảm mạnh. Chính quyền Kremlin sau đó đã quay sang mua vàng.
Theo Bloomberg, Nga mua vàng là để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong nhiều năm qua, Putin luôn cố gắng làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và châu Âu, giống như những gì mà Trung Quốc làm để đè bẹp đồng tiền của Mỹ. Ông Putin dự tính cũng sẽ nâng dự trữ ngoại hối Nga lên mức 500 tỷ USD trong vài năm tới.
Thế giới bất định
Không chỉ mua vàng gom về nước, gần đây, Trung Quốc cũng đã mua đứt hầm vàng 2.000 tấn của nước Anh với mục đích cất giữ tài sản một cách an toàn. Ngân hàng lớn nhất thế giới ICBC Standard Bank của Trung Quốc đã mua lại mảng cất giữ kim loại quý của Ngân hàng Barclays, trong đó có hầm chứa vàng ở London.
Ông Trump được cho là yếu tố góp phần giúp vàng tăng giá. |
Đây là bước đi mà theo giới tài chính thế giới, Trung Quốc muốn nâng cao vai trò của mình trong lĩnh vực kim loại quý. Quốc gia này không chỉ gom vàng nhập khẩu mà có thể còn giữ vàng ở nước ngoài cũng như cung cấp dịch vụ cho thuê nơi chứa vàng.
Mặc dù vậy, một điểm chung dễ dàng nhận thấy là vàng vật chất giờ được quan tâm nhiều hơn. Giá vàng cũng đang tăng khá nhanh theo những diễn biến bất ổn trên thế giới.
Nếu như Nga đẩy mạnh mua vàng để giảm sự phụ thuộc và đồng USD và phòng ngừa cho những cú sốc tỷ giá như vài năm trước thì Đức được cho là rút vàng về nhằm đối phó với những bất ổn trong nội tại châu Âu.
Sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit cho thấy sự thiếu ổn định của khu vực. Chủ nghĩa dân túy phát triển mạnh ở một số nước với trường hợp điển hình là thắng lợi của ông Donald Trump khiến nhiều người lo ngại.
Việc tỷ phú Mỹ Donald Trump làm tổng thống khiến giới đầu tư thực sự lo ngại về tương lai của thương mại toàn cầu cũng như vai trò của đồng USD trong các năm tới. Những biến động chưa từng có của tỷ giá cặp đôi ngoại tệ euro/usd trong thời gian gần đây khiến giới nhà giàu lo sợ.
Chưa bao giờ đồng Euro lại giảm xuống đáy lịch sử rồi lại tăng nhanh như vậy so với đồng USD. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn kể từ đầu năm đến nay, đồng euro đã đảo chiều hoàn toàn, từ một đồng tiền bị nghi ngờ về khả năng tồn tại, trở thành đồng tiền mạnh nhất trong năm 2017.
Trước đó, hồi cuối 2016 và đầu 2017, giới đầu tư chứng kiến một đợt tuột dốc không phanh của đồng euro. Có những thời điểm, euro giảm nhanh, về gần tới ngưỡng ngang bằng so với USD.
Sự tăng giảm thất thường của những đồng tiền chủ chốt trên thế giới, từ USD, euro cho tới Nhân dân tệ trong vài năm gần đây đã làm đảo lộn dự báo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Một trong những đặc tính của thị trường tài chính thế giới hiện nay chính là sự bất định, khó có thể đoán định trước những diễn biến ở bất kỳ thị trường nào, bất kỳ đồng tiền nào, cho dù đó là đồng nền của nền kinh tế số 1 hay số 2 thế giới.
Bên cạnh sự bất ổn, những căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trong đó có bán đảo Triều Tiên cũng khiến nhiều nước lo lắng. Mỹ từng tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ thương mại hoặc trừng phạt những nước nào có quan hệ buôn bán với Triều Tiên hay trước đó là Nga.
Ngày nay, không một quốc gia nào trên thế giới còn áp dụng bản vị vàng. Tuy nhiên, vàng vẫn đang là một trong những yếu tố mấu chốt cấu thành sức mạnh tài chính của mỗi quốc gia. Không những thế, vàng có xu hướng lấy lại sức mạnh thống trị của mình, nhất là trong bối cảnh nhiều nước rơi vào tình trạng nợ nần, tăng trưởng tín dụng nóng và đối mặt với rất nhiều bất ổn.
V. Hà