Chiến thắng trong cuộc bầu cử để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 của ông Donald Trump đã, đang và sẽ được bàn thảo ở rất nhiều khía cạnh khác nhau trên toàn thế giới. Nhiều điều khó đoán định đang ở phía trước.
Nói như Joseph Nye - cha đẻ của Lý thuyết quyền lực mềm trong buổi thảo luận về Trump và châu Á ngày 5-12-2016 tại Đại học Harvard, thì “Mọi chuyện rất khó đoán định vì ông ta (Trump) là người không thể đoán trong chiến dịch tranh cử và giờ đây (trong giai đoạn chuẩn bị thành lập nội các) cũng thế, chúng ta khó mà kỳ vọng có thể đoán định ông ấy sẽ làm gì khi là Tổng thống”.
Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn của Việt Nam, chúng ta nên nhìn vào tính thực tế của người Mỹ để có những đối sách phù hợp. Có thể tính cách của Trump là rất khó đoán định, nhưng có một điều dường như sẽ không thay đổi là các chính sách bên ngoài của Mỹ chỉ phục vụ duy nhất lợi ích của nước Mỹ và đối với từng trường hợp cụ thể nó gắn chặt với lợi ích của những người liên quan mà thôi.
Một số du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Đây là lực lượng được kỳ vọng có khả năng tạo sự gắn kết quan hệ Việt - Mỹ trong một vài thập kỷ tới. Ảnh: MAI LƯƠNG/TBKTSG |
Bài học về đối đãi với sự thực tế của người Mỹ
Vai trò then chốt của Mỹ trên thế giới trong một thế kỷ qua, nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, là rất rõ ràng. Vị trí siêu cường này được xây dựng trên cả hai trụ cột: quyền lực cứng - sử dụng vũ lực, đe dọa, trừng phạt hoặc tiền bạc; và quyền lực mềm - sử dụng sức hấp dẫn và thuyết phục để đạt được mục tiêu.
Điều cần lưu ý là những nước tranh thủ được sự ảnh hưởng bởi quyền lực mềm của Mỹ thường gặt hái được thành công, nhưng nếu rơi vào vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi quyền lực cứng của Mỹ thì thường gặp rắc rối.
Những hoạt động khắp nơi trên thế giới của Mỹ chỉ vì lợi ích của chính họ mà thôi. Chơi với bất kỳ ai cần phải nhìn trực tiếp vào lợi ích của họ là gì. Nói như ông Lý Quang Diệu, người rất hiểu các nước lớn rằng: “Các siêu cường hiểu rằng rất là nguy hiểm nếu đụng độ trực tiếp với nhau, vì vậy họ sử dụng các nước thứ ba để mở rộng sự ảnh hưởng của mình”.
Do vậy, thành công hay thất bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cách thức của chính quyền sở tại ứng phó với các chính sách và sự thực tế của Mỹ. Hàn Quốc có lẽ là trường hợp điển hình cho sự thành công.
Chính sách bên ngoài của Mỹ chỉ phục vụ duy nhất lợi ích của nước Mỹ và đối với từng trường hợp cụ thể nó gắn chặt với lợi ích của những người liên quan mà thôi.
Điều mà Hàn Quốc hưởng lợi lớn nhất từ Mỹ có lẽ là hình mẫu phát triển của quốc gia này (quyền lực mềm của Mỹ). Nhiều du học sinh Hàn Quốc trở về từ Mỹ đã mang về những kiến thức cũng như hình mẫu kinh doanh, cấu trúc xã hội và thể chế để tạo ra những siêu công ty toàn cầu, các thể chế có tính bao trùm với sự tham gia của đông đảo người dân. Kết quả là một nước Hàn Quốc hùng cường, có vị trí rất cao trên thế giới như hiện nay.
Điều này cũng đúng với nhiều nền kinh tế khác như Singapore hay Đài Loan, chẳng hạn. Các thế hệ lãnh đạo hay chính quyền ở những nơi này đã biết tận dụng những mối quan hệ cũng như những hình mẫu thành công của Mỹ, đồng thời giảm thiểu những ảnh hưởng theo ý muốn của Mỹ để đưa nền kinh tế của họ cất cánh và trở nên phát triển như ngày hôm nay.
Thành công của Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore là rất đáng tham khảo cũng như mang lại nhiều cảm hứng lạc quan, nhưng cũng cần lưu ý đến những trục trặc ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới bắt nguồn từ sự “dính líu” thông qua việc sử dụng quyền lực cứng của Mỹ.
Tính nhất quán và không nhất quán trong chính sách của Mỹ
Lợi ích dài hạn với việc khẳng định vị trí siêu cường luôn nhất quán trong chiến lược của Mỹ, nhưng các chính sách có tính chiến thuật thì không nhất quán và phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh trong nước. Điều này có thể chứng kiến qua mỗi lần thay đổi tổng thống, nhất là người của đảng này qua đảng kia.
Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là mỗi chính sách được Mỹ đưa ra thường được tính toán rất kỹ dựa trên lợi ích của Mỹ và tìm hiểu một cách thấu đáo về đối tác với những tính toán chiến lược. Đối sách với Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Ezra Vogel đã mô tả rất kỹ cách thức mà Mỹ đối xử với Trung Quốc và những nước liên quan khác và ngược lại, cách thức Trung Quốc đối đãi với Mỹ và các nước liên quan khác trong quyển sách Đặng Tiểu Bình và Chuyển đổi của Trung Quốc rất nổi tiếng của ông.
Những động thái truyền thông của Trump gần đây làm cho nhiều người có cảm giác là quan hệ với Trung Quốc sắp căng thẳng đến nơi, nhất là việc Trump chủ động gọi điện thoại để nhận sự chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào những gì mà ông Trump và cộng sự đang làm sẽ thấy trên thực tế là họ đang tìm một chiến lược phù hợp với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc chọn Thống đốc bang Iowa Terry Branstad làm đại sứ sắp tới của Mỹ tại Trung Quốc. Ông này là bạn lâu năm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người có tình cảm đặc biệt với bang Iowa khi ông đến thăm bang kết nghĩa với Hồ Bắc này năm 1985.
Việc cử một người là bạn của người đứng đầu Trung Quốc đưa ra những tín hiệu rất rõ về đối sách của chính quyền Trump với Trung Quốc và sẽ làm các nước liên quan hết sức đau đầu. Việc Trump đưa ra ngụ ý về khả năng thay đổi quan điểm về chính sách “một Trung Quốc” có thể làm nhiều người cảm thấy hả hê. Tuy nhiên, điều quan trọng là những bên liên quan cần phải tìm hiểu rõ những “thỏa hiệp” mà Mỹ có thể thực hiện dựa trên lợi ích của họ hoặc những bên liên quan mà thôi.
Tính không nhất quán trong các chính sách của Mỹ, thực ra bắt nguồn từ các tranh luận dựa trên các nghiên cứu thực chứng. Ví dụ về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chẳng hạn, chính quyền Obama và những người ủng hộ tin rằng TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ, nhất là chiến lược xoay trục và nâng tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, những mặt trái của hội nhập đối với mỗi nền kinh tế là rất rõ ràng. Rất nhiều người phải chịu thua thiệt từ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nhiều nghiên cứu thực chứng chỉ ra vấn đề này. Đây là những căn cứ cho việc nói không với TPP chứ không đơn giản là cảm xúc nhất thời của Trump.
Điều cần lưu ý là các thay đổi chính sách đều dựa vào những nghiên cứu thực chất chứ không phải là những nhận định mơ hồ, chủ quan, thiếu cơ sở. Thêm vào đó, cho dù kết quả TPP như thế nào thì Mỹ cũng vẫn có những đối sách mang tính chiến lược trong quan hệ đối ngoại.
Gợi ý hướng tiếp cận cho Việt Nam
Như đã phân tích ở trên, nhiều nước đã gặt hái được thành công để trở nên giàu mạnh trong quan hệ với Mỹ, trong khi nhiều nước cũng gặp không ít vấn đề. Quan trọng hơn cả là vấn đề thường trực với Mỹ trong quan hệ với các nước cũng chỉ là lợi ích của nước họ mà thôi. Do vậy, có một số vấn đề Việt Nam cần lưu ý.
Thứ nhất, về chiến lược dài hạn, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì. Không có tình hữu nghị hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là trên hết trong quan hệ đối ngoại mà thôi.
Thứ hai, cần phải tính đến những ai sẽ là sợi dây gắn kết quan hệ Việt-Mỹ trong một vài thập kỷ tới khi mà vai trò hay sứ mệnh của thế hệ cựu chiến binh nhiều duyên nợ đang đến lúc vãn hồi. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy, chỉ có những đối tác có quan hệ chặt chẽ và hiểu nhau thì mới có thể có những quan hệ dài hạn với những tính toán chiến lược. Đội ngũ du học sinh, những người Mỹ gốc Việt là những người có khả năng tạo ra sự gắn kết này.
Thứ ba, khả năng TPP bị trì hoãn hay chuyển sang những dạng khác là cao. Điều này có thể làm chậm lại tiến trình hội nhập cũng như cải cách như dự kiến nếu có TPP của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần phải đánh giá một cách cụ thể những tác động đến môi trường kinh doanh trong nước khi không có TPP chứ không nói đơn giản không có TPP Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Thứ tư, không phải ngẫu nhiên mà trong một lần tranh luận với bà Clinton, ông Trump có nhắc đến Việt Nam với hàm ý gây ra những trục trặc cho Mỹ trong quan hệ thương mại quốc tế. Việc một số doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam như một trung gian để bán hàng qua Mỹ cũng như các nước khác dấy lên quan ngại ở Mỹ trong thời gian gần đây là điều cần hết sức lưu ý. Nếu có thể tận dụng thì đây là một trong những cơ hội tốt cho Việt Nam khi mà những chính sách cứng rắn trong quan hệ thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc (như kiện cáo hoặc trả đũa) có khả năng được thực hiện. Trái lại, nếu không khéo Việt Nam bị xem là nghi phạm hay tòng phạm thì hình ảnh cũng như vị thế thực chất của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ nói riêng, với các nước khác nói chung sẽ rất khó khăn cho Việt Nam.
Huỳnh Thế Du/ theo TBKTSG
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt