Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện Thanh Hóa đã và đang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, HTX dược liệu nông nghiệp Queen Farm là đơn vị tiên phong đi đầu trên địa bàn.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề “Hội nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong nông nghiệp được tổ chức vào tháng 10/2023, ông Trần Văn Tân, Giám đốc HTX nông nghiệp dược liệu Queen Farm cho biết: Với nguồn vốn đầu tư 40 tỷ đồng, HTX dược liệu Queen Farm xây dựng 2,5 ha nhà kính tại thôn Dục Tú. Từ một loại cây mọc dại ở nhiều nơi, cây rau má đã được HTX Dược liệu Queen Farm phát triển, xây dựng thành vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu của HTX không chỉ trồng rau má mà còn trong nhiều loại cây dược liệu khác như tía tô, diếp cá... phát triển trên 200ha.
Trong quá trình khởi nghiệp nếu muốn thành công phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân, HTX để cùng phát triển. Nhờ có sự liên kết, nhiều người lao động có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Để liên kết bền vững, doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công sức và đất đai để trồng rau má. Hiện nay, HTX đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân để trồng và nhập nguyên liệu rau má. Nhà máy chế biến cũng đã đi vào hoạt động ổn định 2 năm nay. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ rau má đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc...
Năm 2021, HTX nông nghiệp dược liệu Queen Farm vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa, sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa” nhằm nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường. Đến nay, HTX đã quy hoạch được 90ha đất trồng rau má, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.
Thực tế cho thấy, buớc đi táo bạo khi chuyển đổi sang mô hình chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ nông nghiệp, HTX đã có những sản phẩm có tiếng trên thị trường, có chỗ đứng trong lòng người dân, tạo sự uy tín đối với các cấp chính quyền. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX đã lên đến 16 tỷ đồng. Người lao động của HTX có việc làm ổn định, thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất có doanh thu lên đến 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ các loại cây dược liệu rau má, tía tô, diếp cá, HTX còn đồng thời trồng nhiều loại cây rau, cây ăn quả khác như dưa lưới Taki, 1 ha các loại rau thủy canh và 0,5 ha để trồng rau, củ, quả hữu cơ. Mỗi năm, HTX sản xuất 15 - 17 vụ rau, thu về 250 tấn rau, giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng. Đối với rau thủy canh, quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu sơ chế, đóng gói, vận chuyển với mong muốn cung cấp sản phẩm sạch tới tận tay người tiêu dùng. Sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn VietGAP và thỏa mãn được nhu cầu chất lượng cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn cao cấp và hướng tới xuất nhập khẩu. Nhờ vậy, Queen Farm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc mã QR code.
Với sự nỗ lực không ngừng, hiện HTX đã có sản phẩm là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa và sản phẩm yêu thích do người tiêu dùng bình chọn.