Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với luật 2012).

Điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi đó là TP Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường và bổ sung thành phố trực thuộc Thủ đô. HĐND TP được tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 người; số lượng Phó Chủ tịch HĐND được tăng từ 2 lên 3 người.

thach thao 19 1 295.jpeg
Hà Nội dự kiến khu vực Hòa Lạc sẽ là trung tâm TP phía Tây. Ảnh: Thạch Thảo

Dự kiến thời gian tới Hà Nội có thêm 2 thành phố mới, trong đó TP phía Bắc thuộc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và TP phía Tây thuộc vùng Hoà Lạc, Xuân Mai. Trong đó TP phía Bắc rộng khoảng 633km2, dân số 3,25 triệu người; TP phía Tây rộng 251km2, dân số khoảng 1,2 triệu người.

Với TP phía Bắc, Hà Nội định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân – Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.

Với TP phía Tây, có phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi. Hà Nội định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao. Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục.

Theo dự thảo luật, mô hình tổ chức 2 thành phố mới của Thủ đô sẽ có những đặc thù so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND và đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Chưa nên quy định tính đặc thù cho TP mới

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 95 lên 125 người là cần thiết nhằm củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Về chính quyền thành phố mới của Hà Nội, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thành phố thuộc thành phố là đơn vị hành chính đô thị tương đương quận, thị xã thuộc tỉnh.

Do vậy, việc đề xuất tăng cường bộ máy, số lượng đại biểu cho HĐND TP thuộc TP Hà Nội cần căn cứ trên quy mô (diện tích tự nhiên, dân số), khối lượng công việc trên thực tế và quan trọng là vai trò, chức năng và định hướng phát triển lâu dài của các thành phố này.

tp moi cua hn.png
Hà Nội dự kiến lấy diện tích 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn làm TP phía Bắc.

“Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội chưa có thành phố trực thuộc nào được thành lập, cũng chưa có đề án cụ thể về mô hình phát triển của các thành phố loại này, nên chưa có cơ sở thực tiễn để xem xét, đánh giá về quy mô, tính chất, vai trò của loại đơn vị hành chính này”, Ủy ban Pháp luật cho hay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật còn cho rằng, theo dự thảo Luật Thủ đô, chính quyền thành phố mới chỉ được giao thêm một số thẩm quyền trong tổ chức bộ máy và quyết định đầu tư mà chưa có sự khác biệt gì nhiều so với chính quyền ở quận, thị xã trong nhiều lĩnh vực khác.

Do đó, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TP mới và quy định bộ máy của cơ quan này khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần được đánh giá tác động và thuyết minh cụ thể hơn về định hướng thành lập, chức năng, nhiệm vụ. 

Ủy ban Pháp luật thông tin, có ý kiến cho rằng, chưa nên có những quy định mang tính đặc thù cho chính quyền thành phố thuộc thành phố, dù chỉ là trong lĩnh vực về tổ chức bộ máy ngay trong luật này.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị sau khi thành phố mới được thành lập thì Chính phủ, HĐND, UBND TP Hà Nội có thể xem xét, phân cấp tiếp cho thành phố mới một số thẩm quyền của mình tùy theo năng lực bộ máy và yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ.

Sau quá trình thực hiện ổn định, có hiệu quả mới xem xét, trình Quốc hội quy định cụ thể về các cơ chế đặc thù và việc phân quyền cho chính quyền 2 thành phố mới.