Sáng 5/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi hội thảo tại TP.HCM. Câu chuyện phân loại, kiểm duyệt và dán nhãn phim được bàn luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự. Sự kiện do ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh và ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế điều hành. 

“Dán nhãn độ tuổi” là thuật ngữ quen thuộc với khán giả quan tâm đến lĩnh vực phim ảnh. Một số yếu tố được hội đồng quản lý, kiểm duyệt dựa vào để phân loại nhãn gồm: cảnh nóng – khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy và các chất kích thích,… Áp dụng trên phạm vi rạp chiếu phim, hệ thống truyền hình, không gian mạng, địa điểm chiếu phim công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác. Theo dự thảo mới, hiện có 6 cấp độ phân loại phim.

Ban điều hành hội thảo.

Theo các đại biểu, việc Cục Điện ảnh đưa ra các văn bản và lấy ý kiến góp phần giúp các nhà làm phim xác định rõ định hướng tác phẩm, không bị mông lung qua đó giúp phim tới gần hơn với khán giả. Cơ chế mới thông thoáng về việc dán nhãn đồng thời tạo ra những cơ hội và phương thức cho các nhà làm phim. 

Đa số ý kiến bày tỏ ủng hộ việc soạn dự thảo phân loại phim. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng quá trình triển khai sẽ còn nhiều bất cập bởi bảng tiêu chí chưa có những quy định cụ thể, minh bạch. Trong đó, yếu tố cảnh "nóng" được cho là sẽ gây tranh luận giữa các cơ quan quản lý, nhà làm phim và khán giả khi ban hành. 

Kiểm duyệt phim ảnh được nhận xét ngày càng thoáng hơn trong thời gian qua. 

Quy định về cảnh nóng chưa rõ ràng

Đạo diễn Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM - cho biết cần có sự rõ ràng và thống nhất ngay từ đầu để tránh hiểu lầm cho các nhà làm phim. Bà Thúy dẫn chứng trường hợp diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My khi thực hiện những cảnh nhạy cảm ở tuổi 13 trong phim Vợ ba. Tác phẩm điện ảnh này gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội, đồng thời dấy lên làn sóng về vấn đề “dán nhãn” và kiểm duyệt phim vẫn còn nhiều bỏ ngỏ từ nhiều năm qua. 

Hay câu chuyện với phim dán nhãn P (phổ biến với khán giả mọi độ tuổi) được yêu cầu "không có cảnh khỏa thân". Điều này theo bà Thúy là không phù hợp bởi phim ảnh luôn chứa đựng những yếu tố nghệ thuật đẹp, mang tính nhân văn và giàu sức gợi, điển hình như hình ảnh "mẹ cho con bú". "Như vây khán giả nhỏ có được phép xem hay không?", bà nêu vấn đề. 

Các cảnh nóng trên phim xuất hiện nhiều hơn sau khi khâu kiểm duyệt được nới lỏng. 

Ngoài ra, ở các phân loại cảnh nóng, khách mời cũng chỉ ra nhiều yếu tố khó phân biệt ví dụ như ở T16 (Cấm khán giả dưới 16 tuổi) và T18 (Cấm khán giả dưới 18 tuổi). Trong dự thảo ghi cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết", "không kéo dài". Một nhà sản xuất cho rằng các từ ngữ được sử dụng trong văn bản mang tính định tính nhiều hơn định lượng. "Chúng tôi muốn biết "không thường xuyên", "không kéo dài", cụ thể là bao nhiêu", nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc nói. 

Ngoài ra, những yêu cầu trong thông tư như "hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực" còn chung chung. Điều này theo các chuyên gia sẽ trở thành câu hỏi lớn cho các nhà làm phim lẫn khán giả bởi quan niệm mỗi người về sex trên màn ảnh là hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, ranh giới giữa nghệ thuật phản ánh và sự phản cảm rất mong manh. 

Cần siết chặt dán nhãn cảnh nóng, bạo lực trên truyền hình và internet

Bên cạnh 5 xếp loại phim, Luật Điện ảnh sửa đổi có thêm loại K - khán giả dưới 13 tuổi cần cho cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng khi vào rạp. Đây được xem là điểm đổi mới, tạo sự thông thoáng cho các nhà sản xuất lẫn khán giả. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng việc dán nhãn cần được xác định rõ mục đích. Ở nước ngoài, đây là cách để bảo vệ trẻ em khỏi những hình ảnh không phù hợp độ tuổi. Đạo diễn Em và Trịnh nhận định điều này góp phần tăng tính trách nhiệm của phụ huynh trong việc bảo vệ, trông coi con em khi thưởng thức phim ảnh. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Việc một số phim Việt gần đây không bị kiểm duyệt cắt cảnh nóng là dấu hiệu tích cực, giúp các nhà làm phim không bị gò bó quá nhiều. Mặt khác, điều này cũng đặt ra không ít thách thức trong quá trình quản lý khi tác phẩm phát hành. Mặt khác, một thực trạng ở nền tảng trực tuyến hiện rất ít dán nhãn hoặc hầu như không có biện pháp để giám sát người xem. Khán giả là đối tượng trẻ em chỉ cần có thiết bị điện tử vẫn có thể xem tất cả các phim. 

Đạo diễn Công Hậu - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP cho biết việc dán nhãn, phân loại phim cần được tiến hành gắt gao, quyết liệt hơn. Không dừng ở phim chiếu rạp, công tác này cũng cần phải được quan tâm sâu sát ở các mảng phim truyền hình, trực tuyến,… “Công tác quản lý các phim ngoại chưa được siết chặt. Tôi nhận thấy một số đài truyền hình vẫn chiếu các phim có nội dung đồi trụy, bạo lực và nhan nhản khắp nơi. Với đối tượng hướng đến là gia đình có người lớn, điều này rất nguy hại”, ông nói. 

Xử phạt nặng những đơn vị vi phạm dán nhãn 

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng Luật Điện ảnh bản sửa đổi có nhiều điểm thay đổi tích cực. Chính sự cởi mở hơn trong xét duyệt góp phần tạo sân chơi thoải mái cho các nhà làm phim, đồng thời phù hợp xu thế phát triển của điện ảnh quốc tế. 

Ngoài các tác phẩm chiếu phương thức truyền thống, ông Thành lưu tâm thêm dòng thêm chiếu mạng trên các nền tảng trực tuyến – xu thế phát triển chính của phim ảnh hiện nay. Sau khi lắng nghe góp ý của các đại biểu, ban soạn thảo sẽ tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện và trình Chính phủ vào tháng 11 để thông tư đi vào hoạt động.

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết ông cùng các bộ phận có liên quan sẽ tiến hành trao đổi thêm để đưa ra những điều khoản chi tiết nhất nhằm đảm bảo không vướng mắc khi áp dụng. Ngoài các thông tư, cơ quan chức năng cũng xây dựng khung chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, không tuân thủ quy định được đưa ra. 

Ngày 15/6. Luật điện ảnh (sửa đổi) được biểu quyết thông qua với với 449/467 (chiếm 90,16%). Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Với những điểm mới, đông đảo đạo diễn, nhà sản xuất, đơn vị phát hành, đại diện các hiệp hội phim kỳ vọng cho nền phim ảnh Việt Nam. 

Theo dự thảo Luật, phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi như sau: Loại P là phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Sự cố ngoài kịch bản cảnh nóng của Lã Thanh Huyền với Việt AnhLã Thanh Huyền kể khi chuẩn bị diễn cảnh bế cô lên giường thì Việt Anh gặp sự cố khiến cả đoàn cười bò.