Năm 2009, ASEAN đã thành lập AICHR nhằm điều phối chung trong lĩnh vực quyền con người và từng bước hoàn thiện cơ chế này đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngày 18/11/2012, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN được ban hành, trở thành một văn kiện chính trị quan trọng trong quá trình thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo nhân quyền ở các nước Đông Nam Á.
Tuyên bố là văn kiện chính trị đầu tiên của ASEAN nhằm tạo khuôn khổ chung cho tăng cường hợp tác ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, với những ý nghĩa quan trọng.
Việc tập trung thực hiện 4 nhóm quyền con người trong Tuyên bố của ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em; quyền của người khuyết tật; quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe; quyền có nhà ở; quyền tham gia chính trị và sống trong hòa bình cũng như xóa đói giảm nghèo; nỗ lực chống nạn buôn bán người; chống tham nhũng, cải thiện và củng cố các thể chế nhân quyền quốc gia, tăng cường giáo dục nhân quyền.
Tuyên bố thể hiện nguyện vọng, quyết tâm và nỗ lực của người dân và Chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân; khẳng định cam kết của ASEAN tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân khu vực như đã nêu trong Hiến chương ASEAN.
Tiếp đó, các nước ASEAN đã cùng nhau thông qua Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (21/11/2015), Văn kiện đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư (14/11/2017), Tuyên bố chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2017) và dự kiến hoàn thành Kế hoạch lồng ghép quyền của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN trong năm 2018.
Ngày 7/10/2020, các nước ASEAN đã cùng nhau ký kết Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Trong đó, cam kết người dân được hưởng đầy đủ các quyền con người cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại.
Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng nổ từ năm 2020, với tinh thần hướng tới người dân và đặt con người là trung tâm, ASEAN đã nhanh chóng gắn kết, chủ động thích ứng và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đối phó với đại dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, vật chất; đồng thời, nhanh chóng phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho các kịch bản dịch bệnh khác trong tương lai.
Hội nghị Quan chức cao cấp trao đổi ý kiến về ứng phó chung với đại dịch, hội nghị thông qua Tài liệu tham chiếu (TOR) thành lập Kho dự trữ vật tư y tế khu vực và Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19. Các quan chức ASEAN cũng đề nghị các quan chức y tế ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng phó chung của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (SOP).
ASEAN đã thiết lập được cơ chế chính thức và thường xuyên duy trì đối thoại với LHQ, báo cáo đầy đủ về tình hình quyền con người cũng như tiếp thu những khuyến nghị của LHQ để xây dựng giải pháp đạt được tiến bộ mới trong khu vực.
Đặc biệt, đa số các nước ASEAN đều đã thực hiện khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR), trong đó Việt Nam đã thực hiện 3 chu kỳ báo cáo. Việt Nam, Indonesia cũng từng trúng cử ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đóng góp tích cực, nhiều sáng kiến hiệu quả với cơ quan này.
Trong ASEAN, có 4 nước thuộc nhóm 10 quốc gia chịu tác động sâu sắc nhất từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do đó ASEAN rất tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa tác động tới sinh kế, đời sống của nhân dân; đa dạng hóa, làm sâu sắc hợp tác Tiểu vùng sông Me Kong để chống biến đổi khí hậu…