Làm rõ tuổi nghỉ hưu

Tờ trình của Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như sau:

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

{keywords}
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét kỹ lưỡng.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phương án 1 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng ý. 

Tại báo cáo Thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Nhưng Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (2 tuổi) từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước quốc tế về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

“Khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau  và liên quan mật thiết đến chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm... ”, Ủy ban nêu ý kiến.    

Ủy ban đề nghị khi xem xét điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần khẳng định rõ “đây là quy định chung về tuổi nghỉ hưu đối với lao động của quốc gia”, còn đối với những ngành, nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và vùng sâu, vùng xa được giảm tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm.

Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội (tăng thời gian đóng BHXH của người lao động thì mức hưởng lương hưu tăng thế nào),...

Ủy ban cho rằng: Cần lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm lựa chọn được phương án tối ưu; dự liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán.

{keywords}
Nam giới 62 tuổi mới được nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu thấp nên thời gian đóng bảo hiểm ngắn

Trong một báo cáo kèm theo, Ủy ban các vấn đề xã hội cho hay: Hệ thống hưu trí hiện tại của nước ta có đặc trưng là độ tuổi nghỉ hưu thấp, đặc biệt là đối với nữ giới và nhóm dân số được sắp xếp nghỉ hưu sớm.

Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, song trong thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54,2 năm, trong đó tuổi nghỉ hưu trung bình của nam là 55,6 tuổi và phụ nữ là 52,6 tuổi.

Theo báo cáo, quy định tuổi nghỉ hưu thấp dẫn đến thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ 23) trong khi đó thời gian hưởng hưu trí dài.

Theo tính toán từ báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi về hưu bình quân hiện nay là 54,2 tuổi (trong đó nam giới là 55,2 tuổi và nữ giới là 51,7 tuổi). Trong khi đó tuổi thọ trung bình của người về hưu khoảng trên 72,5 tuổi, trong đó nam giới là 71,1 tuổi và nữ giới là 73,5 tuổi. Như vậy, số năm hưởng lương hưu bình quân là 19,5 năm, trong đó nam giới là 16,1 năm và nữ giới là 22,9 năm.

Tuy nhiên, tính trung bình, tiền đóng bảo hiểm xã hội của một người trong 28 năm thì chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm nên rõ ràng thời gian hưởng còn lại (khoảng 9,5 năm) sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp của các thế hệ đi sau.

"Tình trạng này là một trong những nguyên nhân đẫn đến nguy cơ mất cân đối quỹ trong tương lại gần", báo cáo nêu.

Ngoài ra, thực tế cho thấy tỷ lệ người lao động cao tuổi ở Việt Nam tiếp tục làm việc vẫn rất cao, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc, nhưng tỷ lệ làm việc của nhóm tuổi 70-79 và từ 80 tuổi trở lên giảm rất nhanh so với nhóm tuổi 60-69 (chỉ tương ứng là 30% và 11%). Tỷ lệ đi làm ở nam giới (45,3%) cao hơn nữ giới (34,9%).

“Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu sẽ có khoảng 48.000 người lao động sẽ tiếp tục làm việc”, báo cáo viết.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ tác động đến khu vực công. Trên thực tế hiện nay các văn bản pháp luật quy định tuổi nghỉ hưu khác với Bộ luật Lao động cũng chỉ điều chỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Do đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công trong các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức,... đang được trình Quốc hội, sẽ không dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật”, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý.

Lương Bằng