Guardian dẫn lời các nhà vận động ở Kathmandu và các khu vực ảnh hưởng cho biết, hàng chục nghìn phụ nữ trẻ Nepal từ khu vực bị tàn phá bởi trận động đất đang bị những tay buôn người nhắm tới để cung cấp cho mạng lưới nhà thổ khắp phía nam châu Á.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và tàn phá các cộng đồng nông thôn nghèo khó, đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh mất nhà cửa và tài sản. Từ lâu, trẻ em gái và phụ nữ trẻ trong các cộng đồng này đã là mục tiêu của những kẻ buôn người muốn bắt cóc và ép buộc họ vào đường dây mại dâm.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ địa phương ước tính mỗi năm có khoảng 12.000 đến 15.000 cô gái bị bán từ Nepal. Một số người bị đưa ra nước ngoài, đến các nước như Hàn Quốc và xa hơn như Nam Phi. Nhưng phần lớn trong số họ bị đưa vào các nhà thổ tại Ấn Độ, nơi hàng chục ngàn người phải bán dâm trong điều kiện kinh hoàng.

{keywords}
Người dân Nepal tị nạn trong khu lều trại của một bệnh viên dã chiến. (Ảnh: AP)

Một cô gái được giải cứu vào năm ngoái có tên là Sita, 20 tuổi, kể lại rằng cô đã bị bắt cóc khỏi ngôi làng của mình ở Sindhupalchok, khu vực đồi phía bắc Kathmandu và đưa đến thị trấn biên giới của Ấn Độ, Siliguri.

Sau đó, những kẻ bắt cóc bán Sita cho một chủ nhà chứa. Cô đã phải hứng chịu nhiều trận đòn tàn bạo, bị hàng trăm người đàn ông hãm hiếp, khiến cô bị nhiễm HIV. “Tôi không có những cơn ác mộng về thời gian ở đó. Tôi đã xóa nó khỏi trí nhớ của mình”, Sita nói.

Sita đã bị chính một người chú lừa đảo với lời hứa xin việc làm cho cô ở Ấn Độ. Cha mẹ cô, những người nông dân nghèo và mù chữ, đã tin tưởng rằng con gái mình sẽ có một công việc tốt và có thể gửi tiền lương về cho họ.

Trong các nhà thổ ở Siliguri, Sita bị buộc phải quan hệ tình dục không an toàn với 20 hoặc 30 người đàn ông mỗi ngày. Khi nhà chứa bị cảnh sát lục soát, cô nói với họ rằng mình muốn trở về quê hương và đã được bàn giao cho một tổ chức phi chính phủ.

“Giờ đây tôi rất lo lắng cho những cô gái có thể sẽ bị bắt cóc. Sau trận động đất, họ hiện đang rất cần tiền và sẽ bị cám dỗ, nếu có ai đó ngỏ ý tạo công ăn việc làm cho họ. Và sau đó, điều tương tự như tôi đã từng phải trải qua sẽ xảy đến với họ”, Sita nói.

Người chú bán Sita đã bị giết chết bởi một kẻ giết người thuê. Đến giờ, cha mẹ cô vẫn không biết chính xác những gì đã xảy đến với con gái, chỉ có những người anh em của cô phát hiện ra sự thật và từ bỏ. Cô cũng như nhiều nạn nhân bạo lực tình dục khác tại Nam Á đã bị tẩy chay, do quan niệm những cô gái này mang nỗi ô nhục về cho cộng đồng mình.

Sita hiện sống ở một nơi trú ẩn bí mật của tổ chức phi chính phủ Shakti Samuha. Cô vẫn không biết liệu cha mẹ mình có an toàn sau trận động đất. Sau khi nỗ lực liên lạc với anh trai, Sita đã bị từ chối thừa nhận: “Anh ấy nói mình không có em gái, và tôi đã gọi sai số”, Sita kể lại.

{keywords}
Những người lính của quân đội Nepal đưa người bị nạn đến nơi an toàn. (Ảnh: Reuters)

Chỉ riêng tại quê hương của Sita đã có hơn 3.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh vô gia cư sau cơn địa chấn. Một nhân viên y tế địa phương, Rashmita Shashtra cho biết: “Vụ động đất chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra lạm dụng". 

"Người dân ở đây giờ đang rất tuyệt vọng và sẽ nắm lấy bất cứ tia hi vọng nào. Chúng tôi đã phát hiện có người trong làng đang thuyết phục người dân và những người thực hiện các thỏa thuận. Chúng tôi biết họ là ai”, nhân viên này cho hay.

Sunita Danuwar, Giám đốc của Shakti Samuha, một tổ chức phi chính phủ tại Kathmandu cho biết: “Đây là thời điểm mà những người môi giới đóng giả làm nhân viên cứu trợ để bắt cóc hoặc dụ dỗ phụ nữ. Chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người nhận thức được điều này. Tổ chức chúng tôi đã nhận được một số báo cáo về việc có những cá nhân giả vờ đi cứu trợ và nhòm ngó những người gặp nạn”.

Danuwar cho biết, hầu hết các mạng lưới tội phạm có trụ sở tại Ấn Độ, khiến việc xác định đường dây buôn bán người là rất khó khăn. Các băng nhóm này có đại diện và đại lý tìm kiếm phụ nữ phù hợp ở khắp Nepal, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thiếu thốn như Sindhupalchowk.

Nhiều người làm đại lý ở địa phương không biết đích đến cuối cùng của những phụ nữ, họ tin rằng các cô gái sẽ tìm được việc làm trả lương hậu hĩnh ở Kathmandu hay Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng có người biết bản chất của công việc, thậm chí dùng đến mưu mẹo là hứa sẽ gả những cô gái cho người nước ngoài giàu có.

Tại Kathmandu, có hàng trăm quán bar và mát xa, nơi phụ nữ phải làm việc trong điều kiện tệ hại và bị buộc phải quan hệ tình dục với khách hàng. Các nữ nhân viên tại đây được tuyển dụng ngay ở địa phương, nhiều khả năng sẽ chấp nhận lời dụ dỗ làm việc của người môi giới sau khi trở nên kiệt quệ vì động đất.

Các cán bộ cứu trợ phương Tây tại thủ đô của Nepal cũng tỏ ra lo ngại, cho rằng trường hợp khẩn cấp và hỗn loạn sau trận động đất có thể là cơ hội cho những kẻ buôn bán phụ nữ.

Ngoài nạn buôn bán người, Nepal còn đang là điểm nóng của các mạng lưới có tổ chức buôn lậu từ da hổ, gỗ quý đến các chất ma túy.

Lan Phương