Quá trình quốc tế hóa giáo dục của Singapore khởi hành từ rất sớm với chiến lược bài bản xuyên suốt từ khi đảng Nhân dân hành động của ông Lý Quang Diệu thắng cử, tiếp quản chính quyền từ năm 1959 đến nay.

Ngay khi lên cầm quyền, ông Lý Quang Diệu quả quyết rằng, giáo dục quyết định tương lai của Singapore, là lối thoát cho tình trạng nghèo túng, lạc hậu và phân hóa, là con đường để phát triển kinh tế. 

Đại học Quốc gia Singapore đang vươn lên trở thành đại học xuất sắc và đẳng cấp thế giới. Ảnh: educations

Ông nhất quyết phải đổi mới, “đưa giáo dục đại học của Singapore đạt chuẩn quốc tế”, “đào tạo nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế”. Ông yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục nếu làm được như thế thì nhận chức. Thực tế cho thấy, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế và đầu tư nhiều nguồn lực cho hoạt động quốc tế hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.  

Singapore đã thành công với các chính sách giáo dục quốc gia theo tiêu chuẩn toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu chung của nhiều nước trên thế giới, bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới. 

Học bằng tiếng Anh càng sớm càng tốt

Ông Lý Quang Diệu cho rằng ngôn ngữ là chìa khóa để tiếp thu kiến thức. Nếu không thể hiểu một ngôn ngữ, học sinh sẽ không thể tiếp nhận thông tin hay kiến thức bằng chính ngôn ngữ đó. Bởi vậy, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, học sinh Singapore cần học bằng tiếng Anh càng sớm càng tốt. 

Theo lãnh đạo đảo quốc, tiếng mẹ đẻ kết nối người dân Singapore với nguồn gốc, văn hóa và di sản tinh thần của dân tộc, còn tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc giúp kết nối với thế giới.  

Theo đó, chính sách song ngữ học sinh học bằng cả tiếng Anh cùng tiếng mẹ đẻ trong chương trình giáo dục phổ thông được chính thức công nhận vào năm 1966. Singapore đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách song ngữ, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và sáng suốt của ông Lý Quang Diệu. 

Cùng với đó là chính sách đầu tư tập trung nâng từng đại học lên đạt chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước.

Năm 1965, chính phủ tập trung cao độ cho Đại học Quốc gia Singapore để đào tạo nguồn nhân lực đa ngành có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1985, tập trung xây dựng Đại học Công nghệ Nam Dương để đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật, giúp chiếm ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn. Từ năm 2000 đến nay, đảo quốc đầu tư tập trung cho Đại học Quản lý SMU để đào tạo các nhà quản lý.  

Mời các trường đại học hàng đầu thế giới đến Singapore

Năm 2002, Singapore khởi xướng Sáng kiến Nhà trường toàn cầu với mục đích hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới, mời họ đến Singapore.

Ngay từ thời điểm đó, Singapore là điểm đến của các đại học hàng đầu thế giới như Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Chicago, Đại học Pennsylvania... Các trường trong nước cũng được khuyến khích, hối thúc mạnh mẽ để hướng tới tiêu chuẩn hàng đầu thế giới và thích ứng với mô hình cạnh tranh.  

Đảo quốc cũng triển khai các chế độ đãi ngộ hấp dẫn để chiêu mộ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, thực hiện các nghiên cứu mũi nhọn tầm cỡ quốc tế, chuyển giao tri thức, công nghệ nhằm nâng Singapore lên vị trí hàng đầu thế giới về giáo dục.    

Việc tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vi toàn cầu để tìm kiếm những người tài giỏi đáp ứng tiêu chuẩn để bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản trị ở các trường đại học đạt chuẩn quốc tế được áp dụng. Khi nguồn trong nước chưa có cán bộ đủ trình độ làm giám đốc, hiệu trưởng trường đại học đạt chuẩn quốc tế, Singapore chiêu mộ nhân tài trên thế giới chứ không hạ chuẩn. 

Điển hình là Đại học Quản lý Singapore (SMU) thuê cả Giám đốc và Phó giám đốc từ Mỹ và Anh. Người được thuê ngoài việc quản trị trường theo chuẩn quốc tế, có trách nhiệm truyền nghề cho người kế cận với 2 nhiệm vụ rõ ràng. Một là, chỉ định và đào tạo, bồi dưỡng người đủ năng lực để tiếp quản công việc này. Hai là, chuyển giao toàn bộ quy trình công nghệ quản trị cho người được lựa chọn kế nhiệm.

Quốc tế hóa hai chiều 

Với tầm nhìn trở thành đại học toàn cầu hàng đầu góp phần định hình tương lai, Đại học Quốc gia Singapore đang vươn lên trở thành đại học xuất sắc và đẳng cấp thế giới, tiên phong trong đổi mới và quốc tế hóa với con đường hai chiều, quốc tế hóa tại chỗ và quốc tế hóa ở nước ngoài. 

Quốc tế hóa tại chỗ thể hiện ở số sinh viên quốc tế. Bộ Giáo dục đã tài trợ mạnh tay cho những sinh viên giỏi người nước ngoài đến học. Hiện tại, rất đông du học sinh đến Singapore và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới.

Chiều quốc tế hóa ở nước ngoài, Đại học Quốc gia Singapore thiết kế và thực hiện các chiến lược khác nhau, như các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập ở nước ngoài, liên kết/song bằng, chương trình  mùa hè, thực tập sinh... 50% sinh viên Đại học Quốc gia Singapore có trải nghiệm giáo dục nước ngoài, 20% có 1 học kỳ hoặc nhiều hơn ở nước ngoài.

Các chương trình trao đổi sinh viên, điểm trường ở nước ngoài góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học tập và giảng dạy, gia tăng quốc tế hóa. Hàng năm, Đại học Quốc gia Singapore có các chương trình trao đổi sinh viên với hàng trăm trường trên thế giới. Đặc biệt, đến nay, họ có  hơn 10 điểm trường tại Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Israel... nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. 

Ở các điểm trường này, sinh viên năm thứ 3 thực tập tại các công ty khởi nghiệp vào ban ngày và tham gia các khóa học về khởi nghiệp vào buổi tối tại các trường đối tác. Sang năm thứ 4, sinh viên trở lại Đại học Quốc gia Singapore, ở ký túc xá và cùng sinh viên ở nhiều quốc gia khác nhau thực hiện các ý tưởng kinh doanh.

Với quan điểm sinh viên không chỉ học kiến thức sách vở mà còn cần học cách thích ứng với nền văn hóa của các dân tộc khác, Đại học Quốc gia Singapore thường xuyên tổ chức các khóa thực tập, trải nghiệm giúp sinh viên làm quen với môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội đa dạng tại các khu vực, quốc gia khác nhau.

Trong môi trường như vậy, sinh viên học cách ứng phó với sự thay đổi và khác biệt của cuộc sống. Khởi đầu từ năm 2010, các chương trình này đã mở rộng tới nhiều quốc gia như Myanmar, Costa Rica, Brazil, Thái Lan, Ả Rập Xêút, Indonesia…

Giáo viên Singapore được trả lương "cao không tưởng"

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu trên 35 quốc gia, giáo viên tại Singapore có thời gian làm việc dài thứ hai sau New Zealand. Tuy nhiên, họ lại được trả gần gấp đôi so với mức lương giáo viên tự cho là công bằng với họ.