Đối với tôi, những gì đang chứng kiến tại khu phố này chính là kết tinh những giá trị tốt đẹp của một Việt Nam xa xưa.

Rất ít người phương Tây và có lẽ không có khách du lịch nào chủ đích đến khu vực này. Nếu có thì chắc đó chỉ là những người lên nhầm xe buýt, bị lạc khỏi nhóm du khách hoặc bắt nhầm taxi từ sân bay. Và họ sẽ lập tức rời đi sau khi phát hiện ra nhầm địa chỉ. Thật đáng tiếc, họ đâu biết rằng họ vừa bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm tại một cộng đồng đang dần biến mất ở nhiều thành phố lớn.

Những điều tốt đẹp 

Điều gì đã khiến nơi này đặc biệt đến như vậy? Đó chính là việc mọi thành viên ở đây luôn cố gắng hiểu hoàn cảnh của nhau, kể cả những người mới đến mưu sinh. Họ để ý coi sóc công việc cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Và họ tôn trọng lẫn nhau.

anh 2 nam moi o ha noi.jpg
Khu phố của chúng tôi đầy sức sống... Ảnh: An Thành Đạt

Lúc nào gặp họ tôi cũng đều thấy những gương mặt tươi cười, mặc dù phần nhiều trong số họ cuộc sống đang còn rất khó khăn. Hãy cùng tôi làm quen với những cư dân của một góc phố nhỏ ở đây.

Bếp lửa ngoài phố: Gia đình người thợ khoá

Ngày nào tôi cũng đi ngang qua hai vợ chồng người thợ khoá. Họ chiếm lĩnh một góc nhỏ xíu mà vô cùng chiến lược: góc vỉa hè ngay lối rẽ vào một ngách nhỏ trên con phố chính. Chỗ ngồi vừa đủ kê một chiếc bàn nhỏ xíu để bộ dụng cụ đánh chìa khoá và chiếc ghế cho một trong hai người thay phiên nhau ngả lưng khi mệt. Tôi thấy họ khá đắt khách nhưng điều đó lại khiến tôi thắc mắc tại sao ở Việt Nam có nhiều người cần sửa khoá, đánh chìa như vậy.

Chỉ cần nhìn qua là thấy ngay người lãnh đạo không chính thức ở góc đường này. Đó là cô Thu, vợ người thợ khoá. Có cô ấy thì mọi việc sẽ đâu ra đấy ngay. Này nhé, cô ấy là người trông coi công việc khi anh chồng ngủ trưa hoăc phải đi sửa khoá tại nhà cho khách. Cũng một tay cô ấy kiêm nhiệm xe hoa quả và gánh xôi cốm khi hai chủ nhân quầy hàng đi ăn trưa. Rồi chiều đến, cô một tay nướng thịt xiên giúp cô chủ hàng, tay kia điều khiển giao thông để xe cộ không tràn lên khu vực mưu sinh của họ.

Điều đặc biệt, bất chấp mọi tất bật của cuộc sống, cô ấy luôn tươi cười khiến ai đi qua cũng phải mỉm cười đáp lại.

Mấy ngày Hà Nội lạnh đến đóng băng, cô Thu đi gom những thanh củi vụn về và đốt một đống lửa lấy hơi ấm. Chồng cô và những người bán hàng ở góc phố này cùng ngồi trên những chiếc ghế nhựa bé xíu run rẩy đón luồng khí ấm toả ra. Khi tôi đi ngang qua, cũng co ro không kém, liền được kéo ngay vào ngồi chung và được nhường cho chiếc ghế chắc chắn nhất. Trời lạnh nhưng ai nấy đều vui vẻ cười đùa và tranh thủ tán gẫu lúc vắng khách.

Chuyện ở phòng tập Gym

Tôi đi tập khá đều đặn ở phòng tập Gym trong Trung tâm thương mại cạnh nhà. Người ta đến đây tập luyện và chuyện trò chia sẻ đủ chuyện trên trời. Tôi đã kịp có nhiều người quen ở phòng tập này. Đó là một thầy giáo dạy môn Văn học của Trường Phổ thông Chuyên ngữ bên kia đường, một cựu giảng viên của Đại học Luật, một giảng viên của Học viện Cảnh sát, một giáo viên dạy tiếng Anh người Canada, một chuyên gia đã nghỉ hưu của Phòng Tiếng Pháp, Đài TNVN và chồng bà, một doanh nhân cũng đã nghỉ hưu, một anh bạn nữa là doanh nhân, Việt kiều Đức.

Có hai gương mặt nổi bật khiến tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng.

Đó là Dung, một huấn luyện viên của phòng tập, người có tài biến những thành viên uể oải trong vóc dáng nặng nề vượt lên bản thân để sánh ngang tầm với những vận động viên Olympic. Cô ấy làm được điều này bằng cách đặt ra một chế độ tập luyện nghiêm ngặt bao gồm các bài tập thể dục nhịp điệu kết hợp với nâng tạ.

Cô ấy cũng chính là chuyên gia giãn cơ sâu kiểu Thái. Hôm nào cô ấy có giờ giãn cơ cho khách tập là ai cũng biết ngay thông qua những tiếng hét lớn vang vọng khắp phòng. Nhưng hết phiên giãn cơ của cô, người khách lúc trước kêu thét vì đau thì giờ lại tươi cười như vừa được hồi sức. Và kỳ diệu hơn nữa, những người khách của Dung, sau nhiều tháng bị “hành hạ” giờ đây đi lại đầy kiêu hãnh với vóc dáng gọn gàng, mạnh khoẻ.

Một gương mặt khác, người anh hùng trong lòng tôi, anh An. Cách đây mấy năm, anh bị đột quỵ. Tình trạng cứ xấu đi mỗi năm, và đến giai đoạn của anh thì hầu hết những người khác đã bỏ cuộc. Nhưng anh An đến phòng tập đều đặn mỗi ngày, dành một tiếng để bơi, bất kể nắng mưa.

Mặc dù cơ thể anh đã suy yếu đi nhiều nhưng ý chí tập luyện của anh không giảm. Anh từ chối sử dụng xe lăn, chỉ thích đi bộ với sự giúp đỡ của một người trợ giúp. Mỗi lần gặp anh, tôi đều cảm thấy như một vinh hạnh đặc biệt khi được kéo ghế giúp anh ngồi nghỉ ngơi sau giờ tập. Việc phát âm đã trở nên vô cùng khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng chào hỏi và kế những câu chuyện về cuộc đời của mình. Tôi thực sự xúc động trước người đàn ông này, một tấm gương tuyệt vời về quyết tâm sống có ích và tích cực.

Người đàn ông hạnh phúc nhất Việt Nam

Thực sự là người đàn ông hạnh phúc nhất ở Việt Nam sống cách tôi chỉ một dãy nhà. Anh ấy từng là hàng xóm thuê căn hộ cạnh nhà chúng tôi khi căn nhà cũ của anh ấy được phá dỡ để xây mới. Gần như ngày nào tôi cũng gặp anh ngồi trên chiếc ghế kê ngay sân trước ngôi nhà rất hoành tráng của mình và nhìn thế giới trôi qua trước mắt.

anh 4 nam moi o ha noi.jpg
Ảnh: An Thành Đạt

Tôi vẫy tay chào anh ấy mỗi ngày và thỉnh thoảng dừng lại trò chuyện. Tôi hỏi anh ấy tại sao lại hạnh phúc như vậy. Anh ấy nói không có lý do gì đặc biệt, đơn giản đó chính là con người của anh ấy. Rằng mọi việc trong cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp và anh đáp lại vũ trụ bằng cách luôn mỉm cười. Bất cứ khi nào cảm thấy trong người khó chịu, tôi đi ngang qua anh ấy và ngay lập tức cảm thấy dễ chịu hơn. Cứ như thể anh ấy có một sức mạnh ma thuật nào đó!

Gia đình người thợ làm kính mắt - mọi dịch vụ đều được đáp ứng

Có thể nói rằng điều đáng tiếc lớn của chúng tôi trong năm qua là gia đình người thợ làm kính mắt ngay sát nhà đã quyết định giải nghệ và đóng cửa hàng. Chúng tôi về khu phố này sống được 11 năm thì cũng là 11 năm chúng tôi quen biết anh Duệ chị Phượng và được đối xử như người trong nhà. Dịch vụ ở đây nhanh như chớp. Nếu tôi cần kính sau giờ cửa hàng đã đóng cửa, chỉ cần gọi điện và anh ấy sẽ vui vẻ quay lại. Thậm chí, anh ấy còn nói rằng mặc dù anh ấy đã nghỉ nhưng khi cần kính, hãy gọi và anh ấy sẽ giúp.

Hàng ngày trên đường đi tập, chúng tôi có thói quen đưa mắt vào cửa hàng để chào hai vợ chồng anh, đôi khi chị nấu sẵn một món ngon để chúng tôi nếm thử và chúng tôi thì chia sẻ những nông sản nhận được từ quê lên. Con gái anh chị kết hôn với một chuyên gia người Nhật và có một em bé mà chúng tôi gọi là “em bé Nhật Bản”. Khi có em bé ở cửa hàng, thật khó mà không rẽ vào chơi một lát. Giờ đây, chúng tôi vẫn hàng ngày đi qua cửa hàng nhưng trong lòng thấy trống vắng vì nhớ những người bạn của mình.

Gia đình bác xe ôm

Xe ôm là phương tiện di chuyển phổ biến ở Việt Nam được nhiều người lựa chọn vì độ tiện dụng và chi phí hợp lý. Chúng tôi vô cùng may mắn khi vừa chuyển về khu phố này là tìm được ngay bác xe ôm tính tình vô cùng chu đáo, cẩn thận. Hai con của chúng tôi ngồi sau xe máy của gia đình bác từ tiểu học đến khi hết cấp 3. Những chuyến xe liên tục hàng tuần vượt qua mưa nắng từ mùa hạ nóng nực đến mùa đông giá rét để đưa tụi nhỏ đến trường và cả các lớp học thêm buổi tối.

Bác Thuận và bác Ngân thay phiên nhau, đôi khi hai cô con gái sẽ tiếp quản công việc nếu bố mẹ bận. Và suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã trở nên thân thiết như người nhà. Những món quà quê được chia sẻ, và luôn nghĩ đến nhau khi Tết đến. Điều tuyệt vời nhất là 2 con chúng tôi còn được các bác dành thời gian dạy đi xe máy. Bạn đâu thể trông chờ gì nhiều hơn thế nữa!

Những người bán thực phẩm ở chợ ngách

Gia đình chúng tôi khá cầu kỳ về nguồn thực phẩm, đặc biệt là thịt, bởi tôi có thói quen chỉ ăn những phần thịt đã được phi lê, mềm, và không dính mỡ cho dù đó là thịt bò, gà hay thịt lợn. Và những người bán hàng ở ngoài chợ sát nhà chúng tôi đã thuộc lòng thói quen ăn uống đó. Chúng tôi sẽ nhận được những cuộc gọi vào lúc sáng sớm thông báo rằng hôm đó có phần thịt ngon để chúng tôi ra lấy. Được dành cho sự lựa chọn đầu tiên như vậy hẳn phải làm bất kỳ khách hàng nào cũng cảm thấy đặc biệt. Và nếu cần thì họ còn giao tận nhà. 

Thêm nữa, chúng tôi đang nuôi một con rùa bán cạn, một thành viên chính thức của gia đình đã 8 năm nay. Thức ăn cho rùa là tép, cá nhỏ được cấp đông để ăn dần nên nguồn thực phẩm cho rùa cũng cần mua lúc còn tươi. Và người bán hàng cũng thuộc luôn cả thói quen ăn uống của con rùa: tép được cắt râu sạch sẽ trước khi giao đến, chưa kể việc còn có một bạn chuyên vệ sinh bể mỗi tháng và một bạn chuyên giao nước đóng bình để đảm bảo môi trường sống cho rùa. Bạn bè, người quen đến đây đều ngạc nhiên khi thấy con rùa có điều kiện sống tốt hơn cả chủ nhân của nó.

Những gương mặt thân quen

Khu phố của chúng tôi đầy sức sống chính là nhờ những người đang làm việc tại đây dù họ sinh sống ở nơi khác.

Đó là Hạnh, nhân viên của cửa hàng tiện lợi trong trung tâm thương mại, một điển hình của sự tận tâm với khách hàng. Khi cửa hàng của cô ấy hết sản phẩm mà chúng tôi cần, thay bằng câu trả lời rằng hàng đã hết, cô ấy gọi điện đến các chi nhánh khác để tìm món hàng đó cho chúng tôi. Khi túi hàng của chúng tôi quá nặng, cô ấy sẽ dùng xe máy của mình để mang đến tận chân toà nhà giúp chúng tôi.

Đó là Phương, cô lễ tân luôn tươi cười, thân thiện. Chúng tôi gọi đùa cô ấy là “minh tinh màn bạc”. Còn gì tuyệt vời hơn khi ra vào toà nhà, bạn sẽ được chào đón bởi một nụ cười rạng rỡ!

anh 3 nam moi o ha noi.jpg
Những khu phố bình yên đang dần trở thành quá khứ... Ảnh: An Thành Đạt

Đó là hai cô gái trẻ, hai sinh viên làm việc bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi ngay tầng 1 chung cư. Không chỉ đơn thuần là người bán hàng, các cô gái còn có một vai trò quan trọng trong chuỗi giao nhận các gói hàng mà cư dân đặt mua online. Kể cả các gói thực phẩm tươi sống cũng được các cô nhận và bảo quản giúp trong tủ lạnh của cửa hàng. Khi bạn đang nấu dở món ăn và chợt phát hiện thiếu một loại gia vị thì đừng lo. Chỉ một cuộc điện thoại và đồ bạn cần đã ngay lập tức được các cô gái đưa đến cửa.

Đó là bác bảo vệ, người chúng tôi đặc biệt trân trọng vì sự chăm chỉ và tận tâm với công việc. Trật tự bãi xe, xe máy chạy sai chiều với tốc độ cao, ô tô đỗ thiếu tổ chức, xe chở hàng chặn lối ra vào… Không lo, đã có bác bảo vệ ra tay xử lý hết. Và quan trọng hơn, mọi căng thẳng trong công việc không lấy đi nụ cười và sự quan tâm của bác ấy dành cho chúng tôi.

Nếu cần đến một “siêu nhân” có thể lắp ráp, sửa chữa, vận hành bất kỳ thiết bị, máy móc hay dụng cụ nào, đặc biệt là xử lý hỏng hóc, sự cố thì người đó phải là Tuân. Nếu căn hộ có rò rỉ ngấm nước, lò nướng có vấn đề, đường dây điện trong nhà xuống cấp và trở nên nguy hiểm, hay cần sửa mới lại các căn phòng, Tuân sẽ xử lý mọi chuyện. Điều quan trọng nhất là chỉ cần một cuộc gọi và Tuân sẽ có mặt trong chốc lát!

Đó là Trường mầm non Montessori trong khuôn viên chung cư. Ngày nào cũng vậy, từng hàng các em bé nối đuôi nhau như những toa tàu nhỏ ra sân chơi. Tụi nhỏ nói cười ríu rít như bầy chim non làm sáng bừng cả không gian và khiến ai ai cũng thấy như trái tim mình trẻ lại. Không lời nào đủ để miêu tả hết sự dễ thương này!

Những thay đổi khó tránh

Tôi e rằng đang có quá nhiều thay đổi diễn ra ở khu phố của chúng tôi và nhiều nơi khác. Các trung tâm mua sắm khổng lồ, các cửa hàng lớn, bãi đỗ xe, nhà hàng và các toà chung cư mới, chưa kể đến hệ thống đường sắt trên cao và cầu vượt mới cũng như đường cao tốc được mở rộng sẽ khiến cho lưu lượng giao thông đông đúc hơn nhiều lần và bóp nghẹt cuộc sống tại các khu dân cư lân cận.

Những khu phố bình yên đang dần dần trở thành quá khứ. Rồi một ngày sẽ không còn ai nhìn thấy cảnh vật như bây giờ nữa.

Cuộc đời muôn mặt

Cuộc đời muôn mặt

Tháng cuối của năm 2023 là tháng đầy ắp niềm vui trong gia đình tôi, bởi các cháu bên vợ định cư ở Mỹ về thăm các bác ở Việt Nam.