Ngày 16/1, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản có thông cáo cho biết đã quyết định chấm dứt liên kết vốn với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5%.

Bên cạnh đó, SMBC cho biết họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng tại Việt Nam thông qua hợp tác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) và Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (FE Credit).

Trước đó, SMBC và VPBank đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Kinh doanh vào tháng 5/2022 và Công ty tài chính tiêu dùng SMBC mua lại 49% cổ phần của FE Credit trong năm 2021.

SMBC cho biết họ kỳ vọng đợt phát hành riêng lẻ 15% cổ phần của VPBank sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới do Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu đối tác chiến lược không được sở hữu trên 5% tại một TCTD khác. SMBC đã thỏa mãn điều kiện này sau khi thoái vốn khỏi EIB.

Như vậy, SMBC đã chính thức rút vốn Eximbank sau 15 năm sau khi bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho nhà đầu tư trong nước vào 13/1. Hiện SMBC chỉ còn nắm giữ 4,27% vốn Eximbank và cũng không còn thuộc diện phải công bố thông tin nếu muốn bán tiếp.

SMBC trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007 sau khi chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ Eximbank.

SMBC rút vốn Eximbank sau 15 năm gắn bó. (Nguồn: SMBC)

Tuy nhiên, Eximbank rơi vào một cuộc chiến quyền lực giữa nhiều nhóm cổ đông trong nhiều năm. Năm 2019, SMBC rút đại diện khỏi Eximbank và chuyển hướng đầu tư vào FE Credit và VPBank.

Nhóm Thành Công cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi Eximbank, với tổng giá trị ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Eximbank ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục cho tới cả trăm triệu cổ phần được chuyển nhượng, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.

Trong nhiều năm, Eximbank rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.

Tình hình chỉ ổn định sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú (1980), nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) trong đại hội cổ đông hồi tháng 2/2022 với số phiếu biểu quyết 7/7, thay cho Ông Yasuhiro Saitoh.

Eximbank chọn được người lèo lái sau khi các nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng này tìm được tiếng nói chung và chọn bà Lương Thị Cẩm Tú là người đại diện cho quyền lợi của các bên tham gia như: nhóm NamABank, nhóm Thành Công, Bamboo Capital, nhóm cổ đông Nhật SMBC…

Trước đó, từ cuối năm 2015 đến tháng 10/2022, Eximbank ghi nhận 8 lần đổi chủ tịch, từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, sang bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, trở lại với ông Yasuhiro Saitoh và hiện là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Tuy nhiên, tình hình tại Eximbank dường như vẫn chưa ổn định.

Hôm 16/1, Eximbank đã triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. Nhưng phiên họp đã không thể diễn ra do số cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 53,16% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Dự kiến, ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào 14/2, với ít nhất có 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo kế hoạch, Eximbank sẽ bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT với các ứng viên dự kiến là bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng. Cả ba cá nhân này đều đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đây là các đại diện có liên quan tới một số công ty bất động sản, chứng khoán và đầu tư: Bamboo Capital, SBS, bất động sản Phú Mỹ,

Gần đây, Eximbank đã công bố Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình cổ đông thông qua, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.