Trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), công tác hậu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi trước chiến dịch, thực dân Pháp cho rằng quân và dân ta sẽ không thể nào khắc phục được vấn đề tiếp tế hậu cần cho một chiến dịch lớn, xa hậu phương như thế.

Điện Biên Phủ cách rất xa hậu phương. Với cung đường vận chuyển hàng trăm km, trên địa hình rừng núi bao la hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng và không có đường thủy, thời tiết khí hậu mưa nắng thất thường, phương thức vận chuyển thô sơ. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh, càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh con người Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Lực lượng xe đạp thồ trở thành một "binh chủng" có 1 không 2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào huyền thoại.

Xe đạp thồ là một phương tiện linh hoạt nó có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của các phương tiện khác. Nó nhỏ gọn, cơ động hơn ô tô nên có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi dù là khó khăn nhất, lại không phải tiếp nhiên liệu, dễ ngụy trang, có thể đi trong mọi địa hình thời tiết. Sử dụng xe đạp thồ vận chuyển cũng năng suất hơn nhiều so với gánh bộ.

w nhh 7863 1 357.jpg
Xe đạp thồ của anh Cao Văn Tỵ, dân công tỉnh Thanh Hóa đã vận chuyển hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Hoàng Hà

Đáp lời Bác Hồ kêu gọi: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, 30 nghìn nam thanh, nữ tú xung phong vào dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...” để mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thương bệnh binh, lập nên những chiến công oanh liệt. 

Tại hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại được tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết (giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã nhận định: “Những đôi bồ, xe thồ thô sơ, đôi chân trần của dân công hỏa tuyến đã thắng những máy bay trực thăng hiện đại của người Pháp. Nava đã thua trước khả năng huy động sức mạnh toàn dân và cách thức giải quyết vấn đề hậu cần rất linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

W-hai-3410-1.jpg
Khối diễu binh, diễu hành tái hiện hình ảnh dân công hỏa tuyến tiếp viện cho chiến trường. Ảnh: Phạm Hải

Trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh những chiếc xe đạp thồ huyền thoại sẽ được tái hiện sinh động. Đây sẽ là khối diễu hành đặc biệt và có lẽ chỉ xuất hiện trong diễu binh, diễu hành kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sư đoàn 3 (Quân khu 1) được giao nhiệm vụ tuyển chọn, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ tham gia khối diễu binh, diễu hành.

Đại úy Nguyễn Đại Tá, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) cho biết, tiêu chuẩn để tham gia diễu hành là những chiến sĩ có chiều cao từ 1m7 trở lên, sức khỏe tốt, sự dẻo dai, sức chịu đựng; phẩm chất đạo đức, chính trị trong sạch, rõ ràng...

Tổng cộng tính cả xe dự bị trong đội hình là 45 xe tương ứng với đó là 45 chiến sĩ được tuyển chọn để điều khiển, còn trong đội hình diễu hành chính là 41 xe. 

Những chiếc xe được lấy nguyên mẫu từ chiếc xe đạp thồ sử dụng trong chiến dịch đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Xe đạp thồ khi xưa do 2-3 dân công hỏa tuyến đảm nhiệm vận chuyển từ 200-300kg. Còn trong khối diễu hành lần này do chỉ có 1 chiến sĩ đảm nhiệm nên sức nặng của bao tải được giảm xuống khoảng 100kg.

Đại úy Tá chia sẻ, thời gian đầu có gặp một vài khó khăn về chuẩn bị phương tiện, bao tải thồ làm sao cho giống nhất với xe đạp thồ từng sử dụng trong chiến dịch. Ngoài ra, các xe còn trang bị thêm 2 hộp để phần đầu xe, trong chiến tranh những chiếc hộp này dùng để đựng đèn dầu và nước uống, thức ăn của dân công hỏa tuyến.

Các chiến sĩ còn phải đi đúng cự ly, đúng nhịp và khéo léo giữ chiếc xe được thăng bằng. Các động tác được mô phỏng với quá trình tiếp tế, vận chuyển khi xưa như đẩy đèo, lên dốc, xuống dốc, đi thẳng đường bằng...

"Chúng tôi bắt đầu tập luyện từ 19/2, sau đó đến 18/3 cơ động lên Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 để hợp luyện với các khối diễu binh, diễu hành khác", Đại úy Nguyễn Đại Tá cho hay.

Đã 2 tháng luyện tập và hợp luyện, đến nay các chiến sĩ trẻ đã khắc phục khó khăn, quen thuộc với chiếc xe đạp thồ, thực hiện được theo đúng tinh thần của những dân công hỏa tuyến Điện Biên năm xưa, bởi hơn cả nhiệm vụ đây là niềm tự hào khi tiếp nối tinh thần vượt khó của thế hệ đi trước.