Nếu như đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. 

Xuất phát từ vai trò quan trọng của tố cáo, phản ánh trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia vào việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi sai phạm, trái luật, xâm hại đến trật tự quản lý xã hội, quản lý nhà nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức nói chung và đấu tranh với các hành vi tham nhũng nói riêng, từ việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến việc bảo vệ người tố cáo.

Trong thực tế triển khai, mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.

ThS. Vũ Thị Tuyết, Khoa Luật, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân đã góp bàn về một số bất cập hiện nay như sau:

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp liên quan đến sự tham gia của người dân trong PCTN còn một số bất cập.

Việc phát huy vai trò của một chủ thể sẽ không được bảo đảm nếu không được ghi nhận bằng pháp luật. Hiện nay, vai trò của người dân trong PCTN đã được pháp luật quy định trong nhiều văn bản khác nhau như Hiến pháp; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp cận thông tin; các quy định về giám sát, phản biện xã hội... Tuy nhiên, có một số quy định ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân trong PCTN như quy định người tố cáo phải cung cấp thông tin cá nhân khi thực hiện tố cáo.

Với quy định này, sẽ tạo nên tâm lý e ngại, lo sợ bị trả thù, bị trù dập trong công việc... nên không dám tố cáo. Bên cạnh đó, các quy định về khen thưởng người tố cáo lại chưa tạo động lực, khuyến khích người dân tham gia tố cáo... Hay như quy định về tiếp cận thông tin, một số cơ quan, đơn vị đưa các thông tin vào danh mục bí mật nhà nước dẫn đến người dân khó tiếp cận được thông tin để thực hiện quyền lợi của mình...

Hai là, chưa phát huy được vai trò của người dân thông qua thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Việc để lộ nội dung tố cáo, thậm chí thông tin về người tố cáo, để đối tượng bị tố cáo biết được danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo, từ đó đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau như mua chuộc người tố cáo, trù dập, trả thù, thuê “xã hội đen” xử lý.

Mặt khác, một số trường hợp đã tiếp nhận đơn thư tố cáo, tố giác của người dân nhưng chậm kiểm tra xác minh, xử lý để đối tượng bị tố cáo tham nhũng có thời gian tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, xóa dấu vết, hợp thức hóa hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, việc khen thưởng đối với người tố cáo chưa có mức khen thưởng bằng vật chất một cách thỏa đáng nên cũng chưa động viên được sự tham gia tích cực của người dân vào cuộc đấu tranh PCTN.

Ba là, nhận thức của một bộ phận người dân về PCTN còn hạn chế.

Hiện nay, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong các tầng lớp nhân dân, không phải ai cũng hiểu đúng về các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, quyền công dân, quyền dân chủ, về thực hiện các quyền làm chủ của mình.

Bốn là, chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân trong PCTN.

Thực tế cho thấy, hiện nay, chúng ta vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu thực hiện quyền làm chủ của người dân thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong PCTN; các cơ chế về thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước...

Đặc biệt, pháp luật đã quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhưng trong thực tế, hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe dọa người tố cáo vẫn xảy ra khiến họ lo ngại không dám đấu tranh. Đồng thời, một số cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời. Chính từ những lẽ đó đã tạo tâm lý e ngại, ảnh hưởng đến sự tin tưởng vào cơ quan chức năng nên chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia PCTN.

Quốc Tiến và nhóm PV, BTV