Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo quy định của dự thảo luật, người tham gia đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thống nhất với quy định này và đề nghị giữ quy định như hiện hành, bởi nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản, ảnh hưởng tới kết quả đấu giá.

Một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản, sẵn sàng mất tiền cọc. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Mỹ Dung đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền.

281120230818 phan thi my dung.jpg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung

Đại biểu phân tích việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung quy chế, chế tài có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của cơ quan Nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá...

Thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ, giá trả cao từ mấy chục lần tới hơn giá khởi điểm tới 204 lần. Có vụ từ giá khởi điểm 24 tỉ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỉ đồng.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cũng cho biết, gần đây chứng kiến nhiều vụ đấu giá bất thường. Trong đó có vụ đấu giá 3 mỏ cát, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu rà soát việc đấu giá.

Ông nhấn mạnh, cần có quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá. Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

281120230917 nguyen duy thanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh

Để hạn chế người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, ông Nguyễn Duy Thanh cho rằng, cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc. Trong đó, tiền đặt cọc có thể là 20-30% giá trúng, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu, nếu tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá.

Đáng chú ý, đại biểu cho biết, có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. Bộ luật Hình sự cần bổ sung hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.

Dùng quyền tranh luận sau đó, về đề xuất phải xử phạt, phạt tù, cấm tham gia đấu giá với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, đây là quan hệ dân sự.

202311241757433805 pham van thinh.jpg
Đại biểu Phạm Văn Thịnh 

Trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Theo ông Thịnh, chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước. Ông đề xuất khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh tiền đặt trước.

Khi nào lặp lại vòng nữa sẽ tiếp tục và chỉ đặt ra đối với tài sản Nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với tài sản khác. Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị cần rút ngắn thời gian người trúng phải nộp tiền trúng đấu giá.

Ngăn chặn đấu giá tài sản hộ, "quân xanh, quân đỏ"

Còn đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, đấu giá tài sản phát sinh không ít bất cập, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính hiện rất phổ biến.

Luật hiện hành không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá, dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay đấu giá hộ do không đủ nguồn lực tài chính. Thậm chí, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh, hay bỏ cọc, trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ…

281120231051 tran van khai.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải

Theo ông Khải, vướng mắc nhất là lỗ hổng pháp lý trong xác định năng lực tài chính vốn thực có của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp, họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn vốn đen chiếm dụng hay rửa tiền, dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ năng lực tài chính, hay dùng vốn không minh bạch để tham gia đấu giá, hay liên kết nhận ủy quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, 3.

Việc này nhằm khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng vốn thiếu minh bạch, người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc bóp méo thị trường đất đai hoặc giành giật quyền mua đất nhưng không triển khai dự án mà chờ thời cơ sang nhượng, chuyển đổi dự án.

Đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh, cần ngăn chặn hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ” lộng hành, thông đồng, làm sai lệch kết quả đấu giá hay đe dọa người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng giá ảo" để thao túng thị trường...

Ngoài việc xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” thì cần có quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản.