Bén duyên từ sở thích ngắm nhìn cảnh tàu chạy

Trở thành nhân viên đường sắt và hiện là trưởng tàu hàng HH9/10/15/16 tại Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1978) đến từ Thanh Hóa vẫn không quên được cơ duyên đưa mình đến với nghề. Nếu nói đó là ước mơ, đam mê của anh thì quả không sai chút nào.

Anh Sơn cho biết, ngày còn bé, chỉ cần nhìn thấy tàu hỏa chạy là anh thích, hò bạn bè ra xem. Chính những hình ảnh quen thuộc gắn với tuổi thơ ấy thôi thúc anh học ngành đường sắt và trở thành trưởng tàu hàng như hiện tại.

Năm 2006, anh Sơn bắt đầu vào ngành và công tác trong TP.HCM trên tuyến tàu Bắc – Nam. Năm 2017, anh ra Hà Nội và làm việc tại chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội thuộc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội.

Những năm đầu, anh là tiếp viên, phụ trách soát vé, hướng dẫn cho khách lên đúng vị trí của mình. Sau này, anh chủ động là xin sang làm tàu hàng. 

tau hang6.jpg
Anh Sơn là trưởng tàu hàng hơn 4 năm

“Tôi biết công việc làm tàu hàng rất vất vả nhưng lại muốn thử sức và luôn nghĩ, công việc nào chẳng có khó khăn. Vượt qua khó khăn chính là vượt qua bản thân, giúp tôi trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Tuy công việc vất vả nhưng đổi lại, tôi luôn nhận được sự quan tâm của công đoàn, các cấp”, anh Sơn chia sẻ. 

Kể về nỗi vất vả của người làm tàu hàng, anh Sơn cho biết đó là công việc đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ và quan trọng là đam mê. Trong suốt quá trình chia sẻ về công việc của bản thân, anh không quên nhắc hai chữ “đam mê”. 

Mỗi đoàn tàu hàng từ Bắc vào Nam sẽ kéo dài 4- 5 ngày, kéo tầm 24 container và 1 toa trưởng tàu. Trên tàu có 3 trưởng tàu và 1 kiểm tu (kỹ thuật viên). Vì là tàu hàng nên mọi thiết bị điện trên tàu đều không có. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, nhất là những ngày hè khắc nghiệt. 

“Tàu hàng giống như xe bọc thép, không có điện, không có điều hòa hay quạt như tàu khách. Chúng tôi phải dùng bình ắc quy 24V để kích điện và nạp pin điện thoại. Đây là quy định của tàu hàng nên chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, biến nỗi vất vả thành niềm vui, biến cái không có thành cái có”, anh chia sẻ.

Nước sinh hoạt trên tàu cũng hạn chế. Chỉ có bồn chứa 500-700 lít trên toa để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Phải đến ga, nhân viên trong đoàn mới có thể tắm giặt thoải mái. Vì không tiện như tàu khách, nên thực phẩm thường được chuẩn bị sẵn trong thùng đông, chia 4 bữa. 3 trưởng tàu, 1 kiểm tu sẽ thay phiên nhau nấu cho các anh em. 

tau hang.jpg
Các anh chị em trong đoàn coi nhau là gia đình

Anh Sơn cho biết, những ngày nhiệt độ ngoài trời nóng 45-46 độ C thì quả thực vô cùng khó chịu. Công việc trên tàu hàng vất vả, bụi bặm nên đòi hỏi mọi người phải kiên trì và cố gắng. Sau mỗi chuyến đi, đoàn lại được nghỉ khoảng 4 ngày để chuẩn bị cho chuyến tàu hàng tiếp theo. 

Thời gian đó, anh Sơn lại tranh thủ về Thanh Hóa, đoàn tụ với gia đình. 

“Vợ con ở quê, được nghỉ là tôi về”

Vì xa nhà nên những ngày nghỉ, anh luôn tận dụng để được về quê đoàn tụ với vợ con. Mỗi lần anh về, vợ con mừng lắm, thường chuẩn bị những món ăn thật ngon để sum vầy bên nhau. 

“Ban đầu tôi cũng buồn vì phải xa nhà nhưng lâu dần cũng quen. Tôi luôn động viên bản thân phải làm việc chăm chỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ để nhanh chóng về với gia đình. Nói chung, đàn ông chúng tôi có lợi thế hơn phụ nữ khi phải xa nhà vì luôn có hậu phương vững chắc chăm lo cho con cái.

Vợ tôi rất hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Các con tự hào vì bố làm đường sắt lắm. Thi thoảng, chúng còn đòi tôi cho lên tàu đi chơi cùng”, anh Sơn kể. 

tau hang2.jpg
Có anh chị em đồng nghiệp, nỗi cô đơn xa nhà cũng vơi phần nào mỗi dịp Tết đến xuân về

Khác với tàu khách, các chuyến tàu hàng sẽ được nghỉ vào ngày 23 tháng Chạp. Khi đó, anh Sơn lại được điều động sang bộ phận tiếp viên tàu khách để đón khách Tết. Từng làm công việc này nên anh cũng đã quen.

Nhiều năm làm nghề, anh kể, chỉ có năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành là được ở nhà đón giao thừa cùng gia đình. Còn những năm khác, Tết của anh là trên tàu cùng với anh chị em đồng nghiệp.

“Riết rồi cũng thành quen dù ban đầu tôi cũng rất buồn. Giờ đây, đôi khi tôi còn nhận đón giao thừa cùng anh em trên tàu vì bao nhiêu năm qua, tôi cũng quen với cảm giác này rồi. Mình làm thì các đồng nghiệp khác được về đón giao thừa cùng gia đình, gọi là san sẻ cho nhau”, anh nói. 

Những chuyến tàu từ Bắc vào Nam gắn bó với anh Sơn, anh thực sự đã coi các đồng nghiệp là một gia đình, tàu là nhà. Yêu nghề, tha thiết được làm nghề nên lúc nào anh cũng tự nhủ phải làm hết sức có thể. 

Năm 2015, anh cùng trưởng tàu và các đồng nghiệp từng đỡ đẻ cho một vị khách chuyển dạ trên tàu.

Anh cho biết, nhiều nhân viên trên tàu được học kỹ thuật đỡ đẻ, sơ cứu người khó thở, đột quỵ… và luôn có các đồ dùng, thiết bị y tế trên tàu. Năm đó, nhờ có trưởng tàu, vị khách đã sinh em bé an toàn, mẹ tròn con vuông và sau đó được đưa vào viện. Làm được những việc ý nghĩa như vậy, bản thân anh rất vui và càng cảm thấy yêu nghề hơn. 

Nhiều khách là người khuyết tật hoặc ốm đau, có bệnh, anh Sơn luôn sẵn sàng hỗ trợ. Có lần, khách để quên túi tiền, bên trong có 20 triệu đồng, anh Sơn nhận được và vội gọi cho trưởng tàu để lập biên bản trả lại cho khách. Vị khách nhận lại đồ bỏ quên đã gửi tiền cảm ơn, nhưng anh nhất quyết không nhận.

“Công việc của mình là đảm bảo an toàn cho khách, giúp đỡ khách nên làm mấy việc này là bình thường, đâu có gì phải ơn huệ. Tuy nhiên, khi được khách hỏi han, cảm ơn, tặng quà, tôi cũng thấy xúc động lắm. Lúc nào tôi cũng tâm niệm, cho đi là nhận lại. Mình làm việc tốt, ắt có ngày sẽ có việc tốt khác đến với mình”, anh Sơn chia sẻ. 

Cũng có không ít những trường hợp khách say rượu, bia muốn gây sự với nhân viên đoàn tàu. Một số trường hợp có vấn đề về đầu óc, lúc lên tàu không ai phát hiện nhưng khi uống bia vào lại có hành động, ứng xử khiếm nhã.

Có lần, một vị khách say rượu có ý hành hung khi bị anh nhắc nhở. Thuyết phục không được nên anh đành báo cáo với trưởng tàu, cho lực lượng an ninh tàu đến khống chế, đưa khách vào toa riêng, chờ khách tỉnh. 

tau hang7.jpg
Cái bắt tay ấm áp, phong bao lì xì may mắn của trưởng tàu dành cho vị khách hiếm hoi trong ngày Tết

“Từ lâu, khi chọn công việc này tôi đã xác định xa nhà, đón Tết trên tàu là chuyện bình thường nên cũng không còn buồn nữa. Tôi coi đồng nghiệp là gia đình, là anh em trong nhà, coi tàu là ngôi nhà thứ 2 của mình nên luôn đón nhận với tâm lý thoải mái.

Tết này, có lẽ tôi cũng sẽ đón giao thừa trên tàu như các năm khác, nhưng không sao cả. Tôi thấy vui, vợ con tôi cũng thấy tự hào. Vợ tôi bảo, ‘khi nào anh về là Tết về’”, anh Sơn cười nói. 

Có người từng nghĩ, nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt là những công việc nhàn hạ, ổn định, lại được rong ruổi qua nhiều vùng đất. Thực tế, đó là những công việc gian nan, vất vả và có không ít hiểm nguy. Tuy nhiên, như các nghề khác, nghề lái tàu hay làm tiếp viên đường sắt cũng có những nốt trầm, nốt thăng, có vui, có buồn, có nụ cười và cả những giọt nước mắt.

Trong quá trình thực hiện loạt bài về nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt này, phóng viên VietNamNet đã có những cuộc trò chuyện thân tình, đầy ý nghĩa với những người có thâm niên trong nghề. Từ những chia sẻ chân thực, thẳng thắn của các lái tàu, tiếp viên đường sắt “lão luyện” ấy có thể thấy được phần nào bức tranh về công việc của họ với nhiều cung bậc cảm xúc.