Trong bối cảnh Việt Nam tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ngăn tình trạng thiếu điện trong tương lai, điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng có thể cung cấp giải pháp cho vấn đề này cả về quy mô và độ tin cậy.
Báo cáo về kết quả tổ chức đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 4, Bộ Công Thương cho biết về khả năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn điện gió ngoài khơi với khoảng 600 GW, trong đó 260 GW điện gió ngoài khơi móng cố định và 338 GW điện gió ngoài khơi móng nổi. Tính đến cuối năm 2021, các nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam đã chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 23.000 MW điện gió, trong đó 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Việt Nam xác định nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng chính cho chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết hiện phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn đầu tiên nên việc triển khai sẽ gặp một số khó khăn liên quan đến: Khung pháp lý, Cơ sở dữ liệu, Cơ sở hạ tầng, Nguồn nhân lực, vốn đầu tư, Yêu cầu vận hành hệ thống điện ổn định, Đánh giá tác động môi trường và xã hội. Qua đó, Việt Nam cần đưa ra các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển và khai thác nguồn điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, Việt Nam trình bày về các thách thức khó khăn khi vận hành hệ thống điện trong bối cảnh có sự xâm nhập cao của các nguồn năng lượng tái tạo: Quá tải hệ thống truyền tải điện khi chưa nâng cấp phù hợp với sự phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại một số khu vực ở miền Trung và miền Nam; các nguồn điện năng lượng tái tạo không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết, các nguồn điện mặt trời chỉ sử dụng được trong thời gian ban ngày, có nắng nên gây khó khăn cho công tác vận hành, điều độ hệ thống.
Về phía Hoa Kỳ, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề về kỹ thuật vận hành lưới điện nhằm nâng cao tỷ năng lượng tái tạo trong hệ thống. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đề xuất một số vấn đề hợp tác tiềm năng với Việt Nam như: Kế hoạch cụ thể phát triển công nghệ; Chiến lược thu hút đầu tư tập trung vào công nghệ pin lưu trữ năng lượng (BESS); Chuyển đôi LNG sang hydrogen và công nghệ thu giữ carbon, kết hợp BESS với năng lượng tái tạo.
Công ty Tài chính Phát triển Hoa Kỳ (Development Finance Corporation (DFC) mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 7.000MW điện gió ngoài khơi đến năm 2030.
Trong bối cảnh Việt Nam tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ngăn tình trạng thiếu điện trong tương lai, điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng có thể cung cấp giải pháp cho vấn đề này cả về quy mô và độ tin cậy.