Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030) đặt mục tiêu lắp đặt 850 MW công suất điện mặt trời, tuy nhiên Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư (23 dự án với tổng công suất 5.200 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; 31 dự án với tổng công suất 5.321 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2021-2025).
Trong khi đó, Bộ Công Thương không lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020. Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận việc phê duyệt 54 dự án trên (tổng công suất 10.521 MW) là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm khi Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời dưới 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà không phải lập quy hoạch điều chỉnh.
“Việc này không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có tính tổng thể, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát việc phê duyệt bổ sung, không phù hợp với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho”, kết luận của Thanh tra Chính phủ thể hiện.
Kết luận thanh tra cũng nêu trong giai đoạn đến năm 2020, có 168 dự án điện mặt trời tổng công suất 14.707 MW/850 MW được phê duyệt (cao gấp 17,3 lần mục tiêu) không có căn cứ pháp lý. Đáng chú ý, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.642 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt, thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).
Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh (tổng công suất 7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời đã tăng từ 1,4% lên 23,8%.
Ngoài sai phạm về bổ sung ồ ạt nguồn điện, kết luận thanh tra còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong hướng dẫn và tham mưu ban hành giá mua điện ưu đãi FIT; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư các dự án điện gió, mặt trời…
Tại thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các nội dung kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra.
Kết quả thực hiện gửi Thanh tra Chính phủ trong tháng 3/2024 để theo dõi, tổng hợp chung.
Chuyển kết luận thanh tra có trách nhiệm Bộ Công Thương sang UBKT Trung ương Ngày 25/12, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Kết luận thanh tra nêu rõ, cơ quan thanh tra đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra. Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm. Trong việc tham mưu ban hành điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. Ngoài ra, việc này còn có trách nhiệm liên quan của các bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bộ Công Thương cũng phải chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với EVN, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên có liên quan, Ban Quản lý các dự án điện về những khuyết điểm, vi phạm. Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/2018 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. "Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định", kết luận nêu. |