Chỉ có cổ phần hóa đúng nghĩa- bán cổ phiếu ra thị trường thì mới có
thể giải quyết được vấn đề. Đây mới là thực chất đổi mới, nếu không thì
chỉ loay hoay luẩn quẩn trong “cái chuồng” cũ kỹ mà thôi (tiếp theo và hết
Thông tin chính thức được đăng tải trên công luận từ 1/12/2015 doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực nêu trên. Nếu làm thật thì đây là tiến bộ lớn trong điều hành kinh tế. Tuy nhiên, người viết bài vẫn thấy rất lấn cấn với tiêu chí “trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép”!?. Và tại sao chỉ doanh nghiệp nhà nước bị cấm? Doanh nghiệp tư nhân thì sao?
Người viết bài này nhớ lại trước đây chuyên gia Vũ Quang Việt đã từng đề nghị, các công ty phi tài chính không được đầu tư thành lập các công ty tài chính, và ngân hàng cũng nên cấm không được đầu tư vào chứng khoán (tức là không được dùng tiền của người gửi để đánh bạc). Chính việc các ngân hàng đầu tư vào chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán bất động sản đã là một trong lý do chính gây ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và kéo dài từ 2008 đến nay.
Các loại thị trường cổ phiếu chính thức, có ba loại:
Loại thứ nhất là cổ phiếu công ty được niêm yết. Các công ty này được thị trường kiểm kê, được đánh giá lúc ban đầu khi phát hành lần đầu, sau đó phải nộp báo cáo tài chính hàng quý cho sàn chứng khoán, tài sản, nợ, doanh thu lời lỗ thế nào bây giờ phải đưa lên mạng và ai cũng biết. Mọi hình thức bán phải rõ ràng, trên sàn chứng khoán, và không được làm giá. Nếu vi phạm công ty sẽ bị loại khỏi thị trường.
Loại thứ hai là cổ phiếu công ty chưa được niêm yết vì chưa hội đủ điều kiện, vẫn có thể bán mua, nhưng người mua, bán phải chịu hoàn toàn rủi ro. Thậm chí có sàn gọi là “over the counter” để buôn bán. Đây là những công ty nhỏ, chưa đủ tín nhiệm.
Loại thứ ba là cổ phiếu công ty tư nhân có phần hùn của một số người. Nếu là công ty lớn thì khi bán phải kiếm người và phải thương thảo vì mọi người có phần hùn có quyền ngăn cản. Công ty phần hùn này nếu làm với nước ngoài thì thường gọi là liên doanh (joint venture). Nhiều ngân hàng Việt Nam khi gọi là cổ phần hóa là ở dạng liên doanh với nước ngoài. Nhà nước tức Bộ Tài chính vẫn phải trách nhiệm phần nợ, dựa theo tỷ lệ phần hùn của những công ty. Nắm tỷ lệ 1-3% cổ phần của công ty là rất lớn như Bill Gates hiện nay cũng chỉ nắm 3% cổ phần của Microsoft.
Khi phát hành cổ phiếu vào năm 2012 Mark Zuckerberg chỉ sở hữu 28% cổ phiếu. Nếu muốn giầu hơn, và đầu tư vào nơi khác thì anh ta sẽ từ từ phải bán đi để có tiền mua cổ phiếu ở công ty khác.
Ở Việt Nam, có chuyên gia quan niệm tái cấu trúc hay đổi mới doanh nghiệp là tổ chức lại doanh nghiệp thua lỗ, hoặc kém cỏi để nâng hiệu qủa của nó. Lý thuyết và kinh nghiệm về quản lý như thế chỉ áp dụng ở từng doanh nghiệp có vấn đề. Đây không là nguyên tắc đổi mới cả một hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Một số người khác thì có đề cập đến vai trò của nhà nước nhưng cực kỳ mù mờ. Quá lắm là bán một số vốn doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân. Hiện nay, nhà nước đang làm điều này, trong khu vực ngân hàng thì bán cho FDI của Nhật hay nước ngoài khác, thí dụ ở mức 30-50% hay có khi hơn. Nếu là 50% thì hai bên có tiếng nói ngang nhau trong quyết định. Nếu giữ 49% thì nhà nước có quyền quyết định.
Ảnh: cafef.vn |
Chỉ có cổ phần hóa đúng nghĩa- bán cổ phiếu ra thị trường thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Đây mới là thực chất đổi mới, nếu không thì chỉ loay hoay luẩn quẩn trong “cái chuồng” cũ kỹ mà thôi. Ở nước ngoài, khi nắm 1-5% cổ phần , người ta đã có ảnh hưởng rất mạnh khi đa số khác nắm rất ít cổ phần, thường chỉ ngồi nhà, mua qua bán lại, chứ ít ai bỏ thì giờ tham gia các cuộc họp cổ phần viên bầu hội đồng quản trị. Tất nhiên, sẽ có một số doanh nghiệp nhà nước cần có độc quyền nhà nước, nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ và có tính đặc thù.
Giải pháp cải cách cần có 02 tiến trình: Thứ nhất, tư nhân hóa bằng bán cổ phiếu ra thị trường. Trong quá trình chuyển đổi cần được đánh giá độc lập (nếu là công ty nhà nước lớn thì thuê tư vấn nước ngoài), phát hành cổ phiếu minh bạch trên thị trường có kiểm tra, giám sát, nếu không sẽ có những trường hợp có những người có chức quyền, thủ đoạn, lợi dụng thâu tóm với giá rẻ. Điều này đã xảy ra ở Đông Âu và Liên Xô cũ làm xuất hiện những tỷ phú sau một đêm chuyển đổi tài sản của nhà nước.
Thứ hai, có thể giai đoạn đầu nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần lớn, nhưng để tạo cạnh tranh, cần thiết lập các doanh nghiệp tư nhân hoặc không hoặc có tỷ lệ cổ phần đáng kể không do nhà nước để cạnh tranh lành mạnh.
- Tô Văn Trường