Để thực hiện gần 10.000 lượt tâng bóng với quãng đường dài 8.525m, ở thời điểm cuối năm 2020, vị hiệu trưởng này phải mất hơn 2 giờ đồng hồ.
Thích thể thao từ nhỏ, đặc biệt đam mê bóng đá, từ năm 2013, thầy Mạnh đã luyện tập tâng bóng bằng chân, giữ bóng trên đầu, vai và đi bộ liên tục mà không để bóng rơi để rèn luyện sức khỏe cũng như sự kiên trì, ý chí quyết tâm.
Ngày nào cũng tra thuốc mắt
Thầy Mạnh kể, quyết tâm xác lập kỷ lục của mình bắt đầu từ nguyện vọng giúp đỡ hoàn cảnh của 2 em học sinh mồ côi cha mẹ vì tai nạn giao thông.
“Quá trình tập luyện bền bỉ, nhiều lúc cũng hoa mắt, giờ nghĩ lại cũng không hiểu vì sao lúc đó mình thực hiện được”, thầy Mạnh kể.
Thầy Mạnh cho hay, kỷ lục đó đòi hỏi tập luyện rất bền bỉ, từ đôi chân với cảm giác bóng đến đôi mắt.
“Bởi chỉ cần lệch một chút thôi, có thể thất bại. Ngoài việc rèn thể lực, thể trạng, hơi thở, cảm giác với bóng, tôi còn phải tìm cách tăng cường thị lực. Ngày nào cũng phải tra thuốc mắt, bởi mình phải liên tục quan sát vào một điểm trong thời gian dài, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Hoa mắt, chóng mặt là chuyện thường gặp”, thầy Mạnh kể và cho hay không ít hôm bị đau mắt đỏ chỉ vì tập luyện.
Cứ thế, giai đoạn đó, ngày nào thầy Mạnh cũng tập luyện 2 lần, mỗi lần khoảng 2 giờ đồng hồ với trái bóng.
Ngày 26/10/2020, thầy Mạnh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là người Việt Nam khống chế bóng bằng chân, bằng đầu và bằng vai khi đi bộ với quãng đường dài 8.525m để kêu gọi quyên góp giúp học sinh mồ côi.
Sau khi đạt được thành tích đó, thầy Mạnh được nhiều đơn vị, nhà hảo tâm biết đến, liên hệ và quyên góp được gần 40 triệu đồng để lo học phí cho 2 em. Sau này, thầy Mạnh vẫn thường xuyên hỗ trợ 2 em.
“Hy vọng những hỗ trợ của mình và mọi người sẽ giúp các em thêm ý chí, có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai”, thầy Mạnh chia sẻ rất vui về việc mình làm.
Hướng tới xây dựng môi trường trường học hạnh phúc, thầy Mạnh cũng rất quan tâm đến hoạt động thể dục thể thao, giáo dục thể chất cho học sinh trong nhà trường, ngoài việc học kiến thức.
“Thể chất cho mỗi con người, và mỗi học sinh nói riêng đều rất quan trọng. Bởi chỉ khi có sức khỏe, năng lượng thì mới có thể học tập, cống hiến và sáng tạo. Tôi nghĩ việc giáo dục thể chất trong nhà trường sẽ bù đắp nhiều thiếu hụt cho học sinh bởi áp lực học tập hiện nay không nhỏ. Chưa kể, các hiện tượng béo phì, cận thị trong học đường hiện cũng khá phổ biến.
Học sinh đang phải dành quá nhiều thời gian cho việc học. Chúng ta thường quên đi rằng khi học sinh khỏe về thể chất và tinh thần sẽ tạo nền tảng để học tốt”.
Dù công tác ở trường nào, thầy Mạnh luôn quan tâm đến phong trào thể dục thể thao và đều có hẳn kế hoạch hoạt động. Theo thầy Mạnh, khi người hiệu trưởng quan tâm đến hoạt động giáo dục thể chất cũng sẽ “truyền nhiệt” tới các giáo viên và tạo nên phong trào của trường. “Vai trò của người hiệu trưởng rất quan trọng, như là hạt nhân để lan tỏa”.
Hằng năm, thầy Mạnh thường phát động những ngày hội thể thao để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng tham gia. Vừa qua, học sinh nhà trường cũng đoạt cúp vô địch ở giải khiêu vũ cấp thành phố gồm 44 đơn vị tham gia.
Với những cống hiến của mình, mới đây, thầy Đào Chí Mạnh được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Những ngày này, thầy Mạnh cũng dành thời gian buổi tối theo dõi các trận đấu World Cup 2022. Vị hiệu trưởng là fan đội tuyển Tây Ban Nha với lối chơi bóng phối hợp đẹp mắt và hy vọng đội bóng này sẽ tiến sâu vào những vòng trong.