- Thế giới đã chứng kiến nhiều diễn biến quan trọng trong 24 giờ qua, như một loạt nước đồng minh của Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ với Iran, động đất ở Ấn Độ làm nhiều người chết và bị thương.
Nổi bật
Nhiều nước đồng minh của Ảrập Xêút đồng loạt có hành động chống lại Iran sau khi sứ quán của Ảrập Xêút bị tấn công liên quan đến vụ xử tử một giáo sĩ Hồi giáo Shiite.
Bahrain và Sudan đều cắt đứt quan hệ với Iran. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hạ cấp phái bộ ngoại giao của nước này.
Các sĩ quan cảnh sát Iran xô xát với người biểu tình gần sứ quán Ảrập Xêút ở Tehran. (Ảnh: EPA) |
Trước đó, ngày 3/1, Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ với Iran và ra thời hạn 2 ngày cho các nhà ngoại giao của nước Cộng hòa Hồi giáo phải rời đi. Quyết định này được đưa ra sau khi những người biểu tình Iran bao vây và ném bom xăng vào đại sứ quán Ảrập Xêút tại Tehran tối 2/1 để phản đối việc Riyadh hành hình giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr.
Ảrập Xêút và Iran là các cường quốc Sunni và Shiite trong khu vực, ủng hộ các phe đối lập nhau ở Syria và Yemen.
Bahrain, ngày 4/1, cũng cho các nhà ngoại giao Iran 48 giờ đồng hồ để rời đi. Quốc gia đang được trị vì bởi một vị vua Hồi giáo Sunni nhưng lại có đa số dân Shiite này tố cáo Iran "can thiệp ngày càng nhiều, trắng trợn và nguy hiểm" vào công việc nội bộ của các nước Vùng Vịnh và Ảrập.
Bahrain cho rằng, cuộc tấn công nhằm vào sứ quán Ảrập Xêút nằm trong một "mô hình các chính sách bè phái rất nguy hiểm mà cần phải bị đối đầu... để duy trì an ninh và bình ổn trên toàn khu vực".
Còn trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Sudan nêu rõ: "Đáp trả những vụ tấn công dã man vào sứ quán Ảrập Xêút ở Tehran cùng lãnh sự quán ở Mashhad... Sudan thông báo cắt đứt ngay tức khắc các quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran".
UAE tuyên bố hạ cấp đại diện ngoại giao của nước này ở Tehran và sẽ cắt giảm số lượng nhà ngoại giao Iran ở nước này.
Trước đó, phản ứng trước hành động cứng rắn của Ảrập Xêút, Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc Riyadh "tiếp tục chính sách gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực". Phát ngôn viên Hossein Jaber Ansari của Bộ này bảo vệ phản ứng của Iran trước vụ tấn công sứ quán, nói rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đã "hành động theo đúng bổn phận để kiểm soát làn sóng cảm xúc rộng khắp của dân chúng". 50 vụ bắt giữ đã được thực hiện.
Tin vắn
- Cơ quan khí tượng thủy văn Myanmar cho biết, nhiều khu vực tại nước này bị rung lắc do trận động đất 6,7 độ Richter sớm ngày 4/1 tại khu vực đông bắc Ấn Độ. Thiên tai đã cướp mạng sống của 8 người ở Ấn Độ và 3 người ở Bangladesh, làm hàng trăm người bị thương.
- Ngày 4/1, chiếc Boeing 777-300ER của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) buộc phải hoãn cất cánh tại sân bay Mumbai ở miền tây Ấn Độ vì bị nghi có bom. Toàn bộ hành khách được sơ tán để lực lượng chức năng kiểm tra an ninh. Chiếc máy bay đã được phép cất cánh sau khi mọi nghi ngờ được làm rõ.
- Kể từ ngày 4/1, hành khách trên tất cả các chuyến xe lửa, xe buýt và phà từ Đan Mạch đến Thụy Điển sẽ bị yêu cầu kiểm tra chứng minh thư trước khi được phép qua biên giới. Đây được xem là một động thái quyết liệt của chính phủ Thụy Điển nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp ngày một gia tăng.
- Một chiếc xe chở kẻ đánh bom liều chết đã phát nổ khi đến gần một trạm kiểm soát gần sân bay Kabul sáng ngày 4/1. Không có ai ngoài hung thủ thiệt mạng.
- Thiếu tướng Sergey Karakayev – Chỉ huy của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga vừa cho biết, năm 2016, lực lượng này sẽ tiến hành 16 đợt phóng tên lửa, tăng gấp đôi so với số vụ phóng của năm ngoái.
Tin ảnh
Binh lính Ấn Độ tiếp tục rà soát một căn cứ không quân ở Pathankot gần biên giới với Pakistan, 2 ngày sau khi cơ sở này bị một nhóm tay súng tấn công. Các quan chức an ninh xác nhận tay súng thứ 5, trốn trong một căn nhà 2 tầng kể từ ngày 3/1, đã bị tiêu diệt. Có tin nói rằng phần tử thứ 5 cũng đã chết. Hiện chưa rõ có đối tượng nào còn ở trong căn cứ hay không. Tổng cộng 7 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ này. (Ảnh: EPA) |
Phát ngôn
Ngày 4/1, đại diện chính phủ Nhật Bản lên tiếng phản đối trước hành động bay thử nghiệm trên đường băng mà Trung Quốc thực hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước hành động của Trung Quốc, vốn là một sự thay đổi đơn phương hiện trạng trong khu vực và là một nỗ lực nhằm biến hoạt động bồi lắp đảo đá phi pháp với quy mô lớn và nhanh chóng trở thành một sự đã rồi", Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói.
Cũng theo Ngoại trưởng Kishida, Tokyo không chấp nhận hành động làm leo thang căng thẳng. Ông khẳng định: "Nhật Bản tiếp tục hợp tác với các nước liên quan nhằm bảo vệ sự tự do đi lại trên biển".
Sự kiện
Cầu Cổng Vàng, một trong những cầu treo dài nhất thế giới, được khởi công xây dựng tại San Francisco (Mỹ) từ ngày 5/1/1933, và hoàn thành vào ngày 19/4/1937.
Thanh Hảo