“Thế lực” VinFast chạm 160 tỷ USD

Trong phiên giao dịch ngày 25/8 trên thị trường Mỹ (rạng sáng ngày 26/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục gây sốc với việc đóng cửa ở mức giá cao kỷ lục mới: 68,77 USD/cp, với hơn 12,9 triệu đơn vị được giao dịch. Trong phiên, có lúc VFS đã lên 72,5 USD/cp, tương ứng giá trị công ty đạt 170 tỷ USD.

Cổ phiếu VinFast chào sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ hôm 15/8 ở mức hơn 37 USD/cp. Đây từng là mức giá mà CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy thừa nhận "bất ngờ" và không chuẩn bị cho kịch bản cổ phiếu VFS lên mức giá này. Trước đó, theo bà Thủy, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cp trong phiên đầu tiên.

Như vậy, sau gần 2 tuần giao dịch, VFS đã tăng vọt lên gần gấp đôi mức giá chào sàn. Hãng xe ô tô điện VinFast đã lập kỷ lục vốn hóa mới với giá trị tính tới 25/8 là gần 160 tỷ USD.

Ở mức giá này, vốn hoá của VinFast cao gần gấp đôi ông lớn xe ô tô điện BYD nổi tiếng của Trung Quốc và bỏ xa hãng siêu xe Porsche danh tiếng của nước Đức.

Cổ phiếu VinFast tăng dựng đứng trong vài phiên gần đây.

VinFast tiếp tục đứng vững ở vị trí thứ 2 trong làng xe điện toàn cầu và trở thành hãng sản xuất xe lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Tesla (với vốn hóa đạt 757 tỷ USD) và Toyota (với 222 tỷ USD).

So với trong nước, vốn hóa của VinFast gấp gần 2 lần tổng vốn hóa của 10 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam và gấp gần 10 lần doanh nghiệp có vốn hóa lớn là Ngân hàng Vietcombank. Tính tới hết ngay 25/8, Vietcombank có vốn hóa đạt 408 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,9 tỷ USD).

Cổ phiếu VinFast tiếp tục bứt phá đi lên trong bối cảnh tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) của doanh nghiệp này trên sàn Nasdaq rất thấp, chỉ có 4,5 triệu đơn vị, so với tổng cộng hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VinFast niêm yết.

VinFast được xem là một hiện tượng trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm ảm đạm 2023.

VinFast có vốn hóa gần 160 tỷ USD.

Những thông tin về tham vọng của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, thông qua chia sẻ của CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy với truyền thông quốc tế, đang gây ấn tượng mạnh với thế giới.

Gần đây truyền thông quốc tế có những đánh giá khá tích cực về VinFast.

Trong cuộc trả lời trực tiếp trên sóng truyền hình CNN trong chương trình "First Move with Julia Chatterley" hôm 22/8, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã nói về lợi thế của VinFast ở Việt Nam và cả ở Mỹ, với những thuận lợi về nhà máy, hạ tầng, hệ thống trạm sạc.

Bên cạnh đó, CEO VinFast cũng chia sẻ về tham vọng thâm nhập thị trường châu Âu, Trung Đông, ASEAN.

Truyền thông cả Mỹ và Trung Quốc cũng đã có những bài mổ xẻ về hãng xe Việt Nam VinFast, với cú bứt phá vượt các ông lớn xe truyền thống như Mercedes-Benz, Ford hay Honda… sau chỉ một đêm.

Thế lực mới trong ngành ô tô, tỷ phú Vượng giàu thứ 3 châu Á

Với sự bứt phá bất ngờ của cổ phiếu VinFast, qua mỗi một đêm, hãng xe hơi non trẻ của Việt Nam lần lượt vợt qua các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như: General Motors, Ford, Honda, Ferrari, Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz và rồi cả hãng siêu xe Porsche của Đức.

Cũng chỉ sau mỗi đêm, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thêm một vài chục tỷ USD.

Tính tới hết phiên 25/8 trên sàn Mỹ (rạng sáng 26/8 giờ Việt Nam), theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng có tổng tài sản đạt 55,8 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới, thứ 3 châu Á và số 1 Đông Nam Á.

Trong nhiều phiên gần đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nằm vị trí số 1 trong danh sách những người kiếm được nhiều tiền nhất của Forbes (Today’s winners and losers).

Trong phiên 25/8, ông Vượng vượt tỷ phú Elon Musk khi “kiếm” thêm được 14,7 tỷ USD, so với mức tăng thêm 6,1 tỷ USD của ông chủ hãng xe Tesla.

Tất nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có tốc độ tăng tài sản vượt ông chủ Amazon Jeff Bezos (có thêm 1,4 tỷ USD) và tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani (người ghi nhận tài sản tụt giảm 878 triệu USD phiên 25/8 xuống còn 55,2 tỷ USD).

Ông Phạm Nhật Vượng có 55,8 tỷ USD, xếp thứ 23 thế giới, thứ 3 châu Á.

Trong phiên 25/8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vượt tỷ phú Gautam Adani để trở thành người giàu thứ 3 châu Á, chỉ sau ông trùm dầu khí và bán lẻ Mukesh Ambani của Ấn Độ (người có 95,9 tỷ USD, tính tới 25/8) và tỷ phú Chung Thiểm Thiểm - Zhong Shanshan, ông chủ công ty đồ uống lớn nhất Trung Quốc Nongfu Spring (người có 60,3 tỷ USD).

Hồi đầu năm 2023, Gautam Adani từng là người giàu nhất Ấn Độ và giàu thứ tư thế giới với khối tài sản cả trăm tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ phú này đã mất gần một nửa tài sản chỉ trong nháy mắt, sau những cáo buộc chấn động về hành vi sai trái của tập đoàn mang tên ông, chuyên xây dựng đường cao tốc, sân bay và các cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ.

Tại Việt Nam, ông Vượng tiếp tục bỏ xa các tỷ phú khác. Tính tới 25/8, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông Trần Đình Long có khối tài sản 2,2 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang 1,2 tỷ USD.

Như vậy, theo Forbes, tổng tài sản của 5 tỷ phú USD còn lại của Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, bằng khoảng 15% tài sản của ông Phạm Nhật Vượng.

Trước khi đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, tài sản của ông Vượng là 5,9 tỷ USD. Như vậy, phần lớn tài sản của ông Vượng tăng thêm là nhờ VinFast và sự tăng bứt phá của cổ phiếu này. 

Hiện nhiều người nghi ngờ về sự tăng giá của cổ phiếu VinFast nhưng cũng có người tin tưởng và khẩu vị ưa chuộng mạo hiểm của thị trường chứng khoán Mỹ, giống như họ từng đánh cược vào cổ phiếu Tesla của tỷ phú Elon Musk.

Trong hơn một thập kỷ qua, Tesla biến động như tàu lượn và từng nhiều lần nguy cơ phá sản trước khi trở thành hãng xe số 1 thế giới.

Hiện tượng “Tesla Việt Nam” mới chỉ diễn ra trong vài phiên. Nó có thể là một tia chớp, nhưng cũng có thể là sự khởi đầu của một huyền thoại mới. Trò chơi đốt tiền và khả năng huy động vốn cho một lĩnh vực đầy mới mẻ vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Việt Nam có thể có một thương hiệu được nhận diện toàn cầu.