- Sau Quả cầu vàng, "Mạng xã hội' thực sự là một bộ phim xứng đáng với giải Oscar khi đánh dấu sự đột phá của cả một thế hệ tin học, hay nó chỉ đơn giản là câu chuyện về cách xây dựng Facebook và biến một số sinh viên trường ĐH Harvard  trở thành những tỷ phú còn quá trẻ?


Facebook là một mạng xã hội khổng lồ đã hoàn toàn làm thay đổi thế giới, ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ cách mọi người chia sẻ cuộc sống của mình, chia sẻ thông tin, tiếp cận thị trường, quảng bá và bán các sản phẩm doanh nghiệp và thậm chí cả tài năng của mình. Thực tế là, Facebook đang quá thịnh hành trong thì hiện đại, bởi nó có thể thay đổi quan hệ của con người, do đó, nó còn có sức mạnh để thay đổi văn hóa, văn hóa đại chúng, nghệ thuật và quan điểm chính trị.

Bởi thế, câu chuyện đằng sau phát minh ra Facebook của chàng trai trẻ Mark Zuckerberg đã trở nên vô cùng nổi tiếng: Năm 2003, Mark Zuckerberg - một sinh viên Harvard bị người yêu bỏ (Jesse Eisenberg thủ vai) đã chơi một "trò chơi" kì quặc: So sánh trực tiếp và chấm điểm những cô gái đẹp nhất trong trường trên trang mạng Facemag. Chỉ trong môt đêm say,  Mark Zuckerberg đã khởi tạo một trang web thu hút 22 nghìn lượt truy cập của các sinh viên trong vòng 2 giờ đồng hồ ngắn ngủi, làm sập hệ thống mạng trường Harvard hàng trăm năm quy củ và danh tiếng.  

Facemag dẫn tới một ý tưởng lớn hơn và nghiêm túc hơn - xây dựng một trang web toàn diện theo cách mà các trang web khác như MySpace và Friendster đã không bao giờ hình dung tới. Cùng với hai người bạn cùng phòng, và người bạn thân nhất Eduardo Saverin (Andrew Garfield) cung cấp vốn khởi động, Zuckerberg đã tạo ra "The Facebook," một bản thiết kế ban đầu của những gì đã trở thành mạng xã hội lớn nhất giới chúng ta biết ngày nay.


Sự tăng trưởng chóng mặt của Facebook khiến Zuckerberg trở nên nổi tiếng và được săn đón, đi kèm với đó là những cuộc xung đột pháp lý tranh giành quyền lợi với Facebook và mối quan hệ với người bạn thân nhất đã vỡ tan. Ở những cảnh cuối cùng, người đứng đầu mạng xã hội khổng lồ bị bỏ lại tại một căn phòng cô đơn, đang liên tục nhấn phím F5 và cố gắng kết nối với người bạn gái cũ -  cũng ở trên Facebook.

Có rất nhiều điều khiến Mạng xã hội trở thành một bộ phim ấn tượng. Nó được đạo diễn bởi David Fincher - người đứng đằng sau những tác phẩm điện ảnh lớn như Se7en, Fight Club, Zodiac, và được đề cử giải Oscar cho bộ phim Curious Case of Benjamin Button. Người yêu điện ảnh thường biết đến Fincher và yêu thích người đạo diễn nổi tiếng này bởi ba đặc điểm chính của ông: tư thế diễn viên hoàn hảo, camera không tì vết và những gam màu điện ảnh tối nhưng sinh động. Cả ba điểm này đều có thể được tìm thấy trong Mạng xã hội, mang đến cho người xem một bữa tiệc hình ảnh no mắt. Các cảnh trong trường Harvard là những cảnh quay đẹp nhất, nó gợi nên tính lịch sử của trường và mang một gam màu trầm tối, sắc nét nhưng mạnh mẽ. Trường đại học nổi tiếng nhất thế giới - Harvard đã chưa bao giờ trông tuyệt vời đến thế trong phim.


Cấu trúc bộ phim cũng rất đáng ngạc nhiên, đồng thời thông minh và mới mẻ.  Hầu hết các bộ phim dạng hồi ký đều được kể theo trật tự tuyến tính  (bắt đầu sự kiện, các vấn đề, phát triển, giải quyết và kết thúc), tuy nhiên Mạng xã hội có cách tiếp cận khác. Lúc đầu có vẻ như nó cũng tuân theo trật tự này, tuy nhiên, sau khoảng 20-30 phút, không gian và thời gian bắt đầu thay đổi, chuyển động phức tạp với những mẩu đối thoại hiển thị hình ảnh Zuckerberg bị cuốn vào giữa những trận chiến pháp lý khác nhau .

Mạng xã hội là một bộ phim có lời thoại thông minh và thực tế, nhịp độ gấp gáp và di chuyển nhanh chóng từ nhân  vật trung tâm này tới nhân vật trung tâm khác. Bên cạnh Mark Zuckerberg là vô số những nhân vật "vai phụ" nhưng không kém phần quan trọng để xây dựng nên Facebook từ hai bàn tay trắng của  cậu học trò một cách thần tốc. Đã có hàng trăm cảnh nhỏ và hầu như không có trường đoạn nào đủ dài để tạo ra cảm giác về thời gian lâu, hay kéo dài sự suy ngẫm của thiên tài. Không có sự suy ngẫm. Chỉ  có hành động, hành động và kết nối vô vàn ý tưởng.

Sự xuất hiện của ngôi sao nhạc pop Justin Timberlake trong vai Sean Parker cũng thật đáng kinh ngạc. Nhân vật trẻ tuổi này là người phát minh của Napster năm 19 tuổi và là đối tác cuối cùng Zuckerberg nhập vào Facebook. Timberlake đã diễn rất tốt, trong hình ảnh Parker - một doanh nhân cực kỳ hiểu biết, đồng thời cũng rất tinh ranh và lắm tài nhiều tật. Sự xuất hiện của Justin Timberlake cũng là một điểm sáng cho phim.


Thắng lợi như chẻ tre của Mạng xã hội tại các giải thưởng mà nó tham dự khiến bộ phim trở thành một trong những ứng cử viên của Oscar 2011. Tuy nhiên, nếu bỏ qua yếu tố thời sự, khó có thể nói phim sẽ nhận được ưu ái của Hiệp hội Báo chí Mỹ đến thế tại Quả cầu vàng khi nó vượt qua được The King's Speech, Inception hay Black Swan. Về mặt chất lượng điện ảnh, The Social Network  không hoàn toàn bứt phá hẳn lên so với các phim còn lại.

Với những giám khảo nổi tiếng kĩ tính tại Oscar 2011, liệu Mạng xã hội còn may mắn nhận vàng?

Hồ Hương Giang