Theo đó, từ 8/9, cơ quan chức năng sẽ siết chặt việc ra đường, trong đó việc mua bán tại các chợ, siêu thị cũng bị hạn chế hơn. Tại vùng 1, người dân được UBND quận/huyện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán.
Ghi nhận thị trường tại các chợ truyền thống, siêu thị ngày 7/9, không có biến động về mua bán, đặc biệt không hề có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hoá thiết yếu. Các hệ thống siêu thị, chợ đã chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Về mặt giá cả, các sản phẩm thiết yếu, thực phẩm rau củ quả không tăng đột biến.
Mẫu phiếu đi chợ mới từ 6/9 |
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Đỗ Thị Hải, một tiểu thương, cho hay: “Hôm nay là mùng Một nên lượng người mua đông hơn. Các gia đình đều đã chuẩn bị một lượng thực phẩm nên họ không còn mua tích trữ nhiều như trước”. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trong vùng đỏ, chị có cung cấp số điện thoại và sẵn sàng giao hàng tận nơi trong khu vực nếu người mua có nhu cầu.
Tương tự, tại chợ Bằng A (Hoàng Liệt, Hà Nội), cũng không có cảnh đông đúc, chen lấn để mua thực phẩm tích trữ. Các tiểu thương đều chuẩn bị một lượng hàng phục vụ người dân trong vùng. Vì đây là vùng đỏ, nên chợ chủ yếu phục vụ bà con xung quanh và trong làng theo giờ quy định của cơ quan chức năng.
“Mình chỉ mua hoa quả về thắp hương, còn đồ ăn vẫn còn nhiều không cần phải mua thêm nữa”, chị Thảo, một người dân cho hay. Theo chị Thảo, qua các đợt giãn cách xã hội, người dân đã chủ động mua bán hàng hóa thiết yếu. Đợt này, số lượng phiếu đi chợ ít hơn nên chị đã mua đầy đủ thực phẩm dự trữ cho cả gia đình trong vài ngày tới.
Đảm bảo nguồn hàng hoá vùng 1 |
Các chợ có quy định rõ thời gian hoạt động, người dân không đổ xô đi mua tích trữ |
Tại siêu thị Vinmart Linh Đàm, khảo sát cho thấy, lượng người mua không tăng đột biến. Lượng hàng hoá thiết yếu của siêu thị như rau củ, thịt, cá,... cũng đầy ắp các kệ.
Tranh thủ mua thêm ít thịt lợn và rau củ, bà Đỗ Thị Hồng, một cư dân sống tại chung cư gần đó, chia sẻ, lượng hàng hoá trong các đợt giãn cách không thiếu nên người tiêu dùng không lo lắng quá. Do ở gần nên bà muốn trực tiếp đi mua thực phẩm, còn nếu khách hàng có nhu cầu giao tận nhà thì siêu thị cũng đáp ứng.
Đại diện hệ thống VinMart cho hay, ngay từ đầu mùa dịch, đơn vị này đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng từ 2-3 lần lượng hàng dự trữ. Các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau xanh, gạo, mì tôm, gia vị, trứng sữa,... đều đảm bảo, không để trống kệ.
Về giấy đi đường theo quy định mới, hệ thống đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương TP. Hà Nội. Đến sáng 7/9, cơ bản nhân viên làm việc tại siêu thị/cửa hàng và các bộ phận giao vận đã nhận đc giấy đi đường đáp ứng yêu cầu công việc phục vụ hàng hóa cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đánh giá, lượng khách hàng hầu như không biến động. Nhằm đảm bảo các mặt hàng tươi sống (như rau, củ, quả, thịt, cá) phải luôn tươi ngon, siêu thị chỉ dự trữ lượng hàng từ 1-2 ngày. Tuy nhiên, đa số các nhà cung cấp đang chờ được cấp giấy đi đường, trong trường hợp không có thì họ không vào vùng 1 giao hàng được. Do đó, các ngày tới đây có nguy cơ thiếu hụt mặt hàng tươi sống.
Bên cạnh đó, siêu thị cũng tăng cường bán hàng online, tăng thêm shipper và nhân lực các khâu khác để sẵn sàng phục vụ, khi nhu cầu tăng cao hơn nếu có.
Các mặt hàng thiết yếu không bị khan hiếm |
Người tiêu dùng không đổ xô đi mua tích trữ |
Giá cả các mặt hàng không có tăng đột biến |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong đợt giãn cách này, Hà Nội đã chuẩn bị phương án dự trữ, phân phối hàng hoá cho khu vực vùng 1. Theo đó, các đơn vị chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu bình thường của người dân tại kho và tại địa điểm bán hàng trên địa bàn trong vùng 1.
Chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho ngoài phân vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong Phân vùng 1 để luôn chủ động nguồn hàng. Thường xuyên điều tiết hàng hóa tại các điểm bán theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để được thiếu hàng cục bộ.
Tại chợ dân sinh, các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ (gọi tắt là Ban quản lý chợ) làm đầu mối của các tiểu thương tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại,... trên địa bàn Thành phố có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào nguồn cung có hàng hóa bán lẻ.. Phối hợp với các Ban quản lý chợ trên địa bàn nắm nguồn cung của các tiểu thương để hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa bán buôn cho tiểu thương các chợ (khi có nhu cầu).
Phối hợp với các địa phương tổ chức bán hàng lưu động đối với các địa bàn có ít hệ thống phân phối (Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ) và các địa bàn có chợ bị đóng cửa (Thanh trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông).
Hiện vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.
Bảo Anh - Bảo Hân
Hải sản giảm giá một nửa, thịt gà 6.000 đồng/kg vẫn ế ẩm
Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại hải sản ở Phú Quốc giảm giá rất mạnh, tới một nửa. Trong khi đó, giá gà thịt công nghiệp ở các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ giảm chưa từng thấy, chỉ còn 6.000 đồng/kg.