"Một nền kinh tế có độ mở 200% GDP như Việt Nam thì bất cứ biến động bên ngoài nào cũng có thể làm ta tổn thương. “Thị trường, thị trường và thị trường. Cấp nào, ngành nào cũng phải hô khẩu hiệu ấy. Lúc nào cũng cần túc trực phương án ứng phó xử lý sự cố bất bình thường xảy ra”.
Tăng trưởng GDP quý I cao kỷ lục 10 năm, các doanh nghiệp như Samsung, Canon đóng góp không nhỏ. Thế nhưng cộng đồng doanh nghiệp và cả nhà quản lý vẫn còn những tâm tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 chỉ 6,7%.
Địa phương, bộ ngành thận trọng
Dù quý I tăng trưởng ấn tượng, nhưng tại Hội nghị về thúc đẩy tăng trưởng ngày 30/3, các địa phương, bộ ngành vẫn hết sức thận trọng khi nói tới các tháng về sau.
Là tỉnh có tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước năm 2017 với 19,12%, song tỉnh Bắc Ninh chỉ khiêm tốn đặt mục tiêu cho năm 2018 ở mức 10,5-11,5%.
Lý do, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, quy mô kinh tế Bắc Ninh đã khá lớn nên tốc độ tăng thêm rất khó. Dù đã hội tụ nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Canon nhưng sản xuất đã đạt đỉnh nên tăng tiếp là khó khăn.
Samsung đóng góp nhiều cho tăng trưởng nhưng tốc độ tăng đã đạt đỉnh. |
Ông Quỳnh cũng lưu ý là tăng trưởng các quý sau của Bắc Ninh sẽ khó có thể bằng quý I, giống như dự báo về tăng trưởng kinh tế cho cả nước mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra.
Nói thêm về ngành than, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay cơ cấu ngành than của tỉnh này chỉ chiếm 18,5% GRDP nhưng liên quan đến 10.000 lao động, tính thêm cả gia đình của họ nữa thì chiếm 30% dân số của tỉnh. Do đó, ông Long đề nghị đề nghị phải phát triển bền vững ngành than, nhất là khi ngày càng phải khai thác xuống sâu hơn; không để như năm 2017 có thời điểm than nội địa tồn 11-12 triệu tấn, rất khó khăn cho công nhân ngành than.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng, không nên bằng lòng với tăng trưởng kinh tế quý I lên tới 7,38% mà phải lưu ý xem tới đây có gì nguy cơ thách thức.
“Một nền kinh tế có độ mở 200% GDP như Việt Nam thì bất cứ biến động bên ngoài nào cũng có thể làm ta tổn thương”, ông Cường nhấn mạnh và nhắc đến chuyện con cá tra, sắt thép bị áp thuế vừa qua.
“Thị trường, thị trường và thị trường. Cấp nào, ngành nào cũng phải hô khẩu hiệu ấy. Lúc nào cũng cần túc trực phương án ứng phó xử lý sự cố bất bình thường xảy ra”, lãnh đạo ngành nông nghiệp lưu ý.
Trước việc tăng trưởng quý I cao, khác hẳn truyền thống “đầu năm thong thả”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo “tâm lý sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được”, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra.
Lưu ý rằng tăng trưởng các quý sau có thể có xu hướng giảm dần, lãnh đạo Bộ này cũng chỉ thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 ở mức đạt mục tiêu 6,7%. Kịch bản lạc quan hơn thì có thể đạt 6,8%.
Mỗi ngành một nỗi lo
Dù quý I tăng trưởng tốt, song đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ nhiều nỗi lo.
“Vài năm trước ngành cơ khí Việt Nam phát triển tốt, ta làm được vài công trình lớn, nhưng nay đang bị chìm đi. Nếu để chìm đi, ngành cơ khí không phát triển được, không tự chủ được thì nhiều thiết bị sẽ bị nước ngoài “làm giá”, đại diện Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) chia sẻ.
Đại diện VAMI cho biết: Khi trong nước sản xuất được một số thiết bị của nhà máy nhiệt điện, thì các thiết bị trước đây nước ngoài báo giá 10, giờ còn 8. Có sản phẩm khi ta chưa sản xuất được họ báo giá 20 triệu USD, nhưng khi trong nước sản xuất được thì giờ chỉ còn 17 triệu USD.
Cần tạo điều kiện cho công nghiệp cơ khí trong nước phát triển. |
Trong khi, Việt Nam hoàn toàn làm được nhiều thiết bị với giá cả hoàn toàn cạnh tranh được với Trung Quốc.
Bởi, nếu vẫn còn cơ chế cho đấu thầu giá rẻ thì “ngành cơ khí không phát triển được”, khi mà Trung Quốc chào giá các thiết bị chỉ bằng một nửa các nước G7 và bằng 80% thiết bị do Việt Nam sản xuất, đại diện VAMI ái ngại.
Còn với ngành dệt may, dù tăng trưởng hàng năm rất cao nhưng cũng chưa thể yên tâm.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may cho rằng: "Năm 2018 chúng tôi đặt ra mục tiêu sẽ tăng khoảng trên dưới 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 34-34,5 tỷ USD. Tuy nhiên, dệt may có điểm nghẽn ở khâu dệt nhuộm, nên chủ yếu gia công".
Ông Cẩm cũng chỉ ra thực tế các địa phương có tâm lý hoan nghênh dự án may mặc nhưng lại từ chối các dự án dệt nhuộm vì sợ ô nhiễm môi trường. Vị này cũng trấn an rằng công nghệ giờ đã khác nên hạn chế đáng kể việc ô nhiễm.
“Các anh cứ nói dệt may chủ yếu gia công, bán sức lao động nhưng không chấp nhận dự án đầu tư thì lấy đâu ra vải cung cấp cho xuất khẩu”, ông Trương Văn Cẩm than vãn và nhắc đến Vĩnh Phúc khi “mãi không chấp nhận dự án dệt nhuộm” của một tập đoàn nước ngoài.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản VN (Vasep), cho rằng: Năm 2017, thủy sản tăng trưởng xuất khẩu 17,9%, năm nay ngành đặt mục tiêu 10 tỷ USD, tăng 20%.
Riêng ngành cá tra, dù liên tục bị “bầm dập” ở nước ngoài nhưng 20 năm qua vẫn nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt tiêu chuẩn cao của thế giới, được 2 thị trường khó tính nhất là châu Âu và Mỹ chấp nhận với các sản phẩm đã qua chế biến.
Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Nam nhấn mạnh: Năm ngoái xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng kinh khủng. Nhưng điều đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng xuất khẩu cá tra theo đường tiểu ngạch.
“Tháng 1/2018 Trung Quốc nhập khẩu 42 triệu USD cá tra, nhưng chỉ 56% hàng chính ngạch còn lại 44% là hàng qua tiểu ngạch. Nguy hiểm ở chỗ xuất khẩu tiểu ngạch không kiểm soát được chất lượng, tư thương thu gom cả cá ngộp chết, chất lượng kém để xuất khẩu giá thấp sang Trung Quốc. Giá cá tra xuất khẩu tiểu ngạch thấp hơn hàng chính ngạch ít nhất 1 USD”, đại diện Vasep đề nghị kiểm soát việc này để giữ uy tín và chất lượng cá tra.
Lương Bằng
Đơn vị quản lý Carina đang tiếp quản những dự án nào?
Công ty cổ phần Dịch vụ Địa ốc Sài Gòn ngoài quản lý vận hành chung cư Carina đang có hợp đồng dịch vụ quản lý với nhiều dự án khác trải ở TP.HCM.
Thời Uber, Grab: Thế nào là cạnh tranh không lành mạnh?
Trong nền kinh tế số, nhiều dịch vụ mới xuất hiện sẽ đặt ra thách thức với các hình thức kinh doanh truyền thống trong cuộc cạnh tranh giành thị phần.
Trường hợp đặc biệt được thuê đất đặc khu tới 99 năm
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tiếp tục đưa ra phương án cho thuê đất tối đa 99 năm, nhưng có “chỉnh lý” lại là chỉ áp dụng trong "trường hợp đặc biệt" và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
DN tư nhân teo tóp: 30 năm giấc mơ ngang tầm thế giới
Câu chuyện DN tư nhân Việt Nam ngày càng nhỏ đi. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các doanh nghiệp ngang tầm thế giới.
"Vào CPTPP: Cơ hội đột phá nông nghiệp, nâng cao vị thế Việt Nam"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tham gia vào CPTPP, hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, để bớt sự tập trung quá lớn vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chính là Nhật Bản.