LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của bạn đọc xung quanh vấn đề đang làm xôn xao dư luận: Vụ kiện trị giá 55 triệu Đô la Mỹ. Bài viết không có gợi ý bất kỳ nào cho các bên trong vụ tranh chấp hiện thời. Nó chỉ bổ sung cho người đọc những khía cạnh pháp lý (hy vọng là thú vị) và những thiếu sót của hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam liên quan đến giao dịch đại diện/ủy quyền và bên thứ ba là phương tiện điện tử để các cơ quan lập pháp và tòa án lưu tâm.

TIN BÀI KHÁC:

Sự kiện xẩy ra, mọi người dường như cũng chỉ quan tâm đến hai khía cạnh:

1- Giới chuyên môn thì phân tích thêm về khía cạnh tố tụng là khả năng kháng cáo, giám đốc thẩm và thi hành án.

2- Ít người quan tâm đến khía cạnh luật nội dung và sự tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện thời liên quan đến vụ án trên.

Thật vậy, nếu vụ này đem ra xử ở nước ngoài, các bên còn tranh cãi nhau chán và hội đồng xét xử còn toát mồ hôi vì những vấn đề pháp lý sau:

Hội đồng xét xử tuyên án (Ảnh VNN)
Thứ nhất, cái máy đánh bạc đó là gì theo pháp luật dân sự của Việt Nam? Nó có phải là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Hiện tại pháp luật dân sự Việt Nam quy định có 4 loại chủ thể, bao gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Vậy cái máy đánh bạc này có thuộc một trong 4 loại chủ thể trên?

Việc xác định có hay không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự mang lại hậu quả quan trọng là, chỉ có các chủ thể được pháp luật thừa nhận thì các chủ thể đó mới được hưởng quyền và chịu trách nhiệm dân sự. Nói dễ hiểu là được tham gia vào các giao dịch (như giao dịch đánh bạc/trò chơi có thưởng hợp pháp) và hưởng quyền hay chịu trách nhiệm từ việc tham gia giao dịch đó (như việc thanh toán cho mỗi lần đặt cược và nhận thưởng nếu trúng). Thêm vào đó, chủ thể phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc năng lực pháp luật (dân sự). Năng lực hành vi/pháp luật dân sự của cái máy đánh bạc được quy định ở đâu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nếu nó không có năng lực, vậy giao dịch có vô hiệu theo Điều 122 Bộ luật dân sự 2005?

Vậy, chủ sở hữu máy đánh bạc có thể nại ra những ý kiến trên để yêu cầu không thừa nhận kết quả cuộc chơi theo các quy định của pháp luật Việt Nam?

Thứ hai, giao dịch đánh bạc/trò chơi có thưởng nói trên là một hợp đồng. Một hợp đồng theo pháp luật thì phải có sự trùng lặp về ý chí giữa các chủ thể. Cụ thể là sự trùng lặp trong đề nghị và chấp thuận trong hợp đồng. Yếu tố đề nghị của người chơi thì có thể có. Đó là bỏ tiền vào chơi và đặt cược. Thế nhưng còn yếu tố chấp thuận? Cái máy đó đâu phải là con người, nó đâu có ý chí. Hành vi chấp thuận của nó là hành vi nào?

Thực ra, những vấn đề trên từ lâu đã được giải quyết tại các hệ thống pháp luật phát triển khi nước người triển khai các máy bán nước tự động đầu tiên. Nhưng còn ở Việt Nam, hệ thống pháp luật của ta và quan điểm của tòa án chưa sẵn sàng cho những trường hợp này. Ở nước ngoài, người ta coi những máy đó là đại diện của chủ sở hữu.

Giả sử cái máy được coi là đại diện cho chủ sở hữu tại Việt Nam thì cũng nảy sinh những vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ đại diện/ủy quyền theo pháp luật dân sự Việt Nam. Cụ thể là trong trường hợp ý chí của chủ sở hữu và người đại diện của mình là khác nhau, nói cách khác người đại diện thực hiện sai ý chí của chủ sở hữu thì hậu quả ai: chủ sở hữu hay người đại diện phải chịu?

Điều 146 Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam quy định một cách đơn giản là: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại điện.”

Trở lại vụ án máy đánh bạc, giả sử pháp luật Việt Nam thừa nhận cái máy là đại diện của chủ sở hữu thì liệu chủ sở hữu có thể viện dẫn quy định trên để cho rằng vì mình không đồng ý và cũng đã phản đối kết quả cuộc chơi nên mình chỉ chịu trách nhiệm cho phần thưởng mình đã đặt trước thông qua nhà sản xuất máy chơi (ví dụ: 100.000 Đô-la Mỹ là mức tối đa). Phần vượt quá người đại diện (cái máy) dù có nhầm lẫn hay không cũng phải chịu trước người chơi theo quy định của Điều 146 trên. Lập luận này có được chấp nhận? Nếu không được chấp nhận thì căn cứ vào đâu để không chấp nhận?

Mở rộng thêm, giả sử người đại diện bị nhầm lẫn (ví dụ: máy đánh bạc đáng lẽ báo là 100.000 Đô-la thì bị hỏng báo là 5 triệu Đô-la) thì lúc này ai chịu trách nhiệm với đối tác: chủ sở hữu hay đại diện? Liệu có nhất thiết là người đại diện?

TS. Nguyễn Quốc Vinh