Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1,75 triệu tỷ đồng, còn chi ngân sách ước đạt 1,73 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên lên tới 1,05 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 61% tổng chi ngân sách.

Còn theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (là kỳ ngân sách gần nhất được Quốc hội quyết toán), số thu ngân sách năm 2022 là hơn 1,82 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách là 1,75 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, phần lớn số chi ngân sách cũng dành cho chi thường xuyên. Cụ thể, chi thường xuyên năm 2022 lên tới 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 59% tổng chi ngân sách.

Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhiều năm gần đây, số chi thường xuyên luôn ở mức trên dưới 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 60-65% tổng chi ngân sách. Phần tiền còn lại dành cho chi đầu tư phát triển, chi trả nợ gốc và lãi. Tất nhiên, số tiền đó là không đủ nên ngân sách mỗi năm phải vay nợ hàng trăm nghìn tỷ.

Nhìn dãy số liệu thu ngân sách và chi thường xuyên từ 2012 đến nay, có thể thấy chi thường xuyên vẫn tăng đều đặn. Năm 2012 đánh dấu lần đầu tiên thu ngân sách đạt mốc 1 triệu tỷ đồng. 

Cùng với mức tăng thu ngân sách, thì chi thường xuyên cũng tăng theo, thường chiếm 58-65% tổng chi ngân sách. Trong giai đoạn 10 năm (2012-2022), thu ngân sách tăng 1,75 lần, từ 1,03 triệu tỷ đồng lên 1,82 triệu tỷ đồng.

Thế nhưng, chi thường xuyên cũng tăng tương ứng 1,71 lần, từ hơn 603 nghìn tỷ đồng lên 1,03 triệu tỷ đồng. Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên chi thường xuyên tăng lên mức hơn 1 triệu tỷ đồng và duy trì mức tăng đều đặn sau đó. 

Điều này cho thấy tốc độ tăng chi thường xuyên gần như tỷ lệ thuận với tăng trưởng thu ngân sách, gây sức ép lớn lên ngân sách nhà nước. Chi thường xuyên cao phản ánh quy mô lớn và hoạt động tốn kém của bộ máy hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ quả là, ngân sách luôn trong tình trạng thâm hụt, tức chi nhiều hơn thu. Mỗi năm, Chính phủ phải vay thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, để có tiền đầu tư cho các dự án. Riêng năm 2022, tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.406 tỷ đồng.

Chi thường xuyên ở mức cao đã khiến nguồn lực chi cho đầu tư phát triển bị hạn chế. Năm 2022, số chi cho đầu tư cho phát triển thấp hơn nhiều so với chi thường xuyên, ở mức 615.640 tỷ đồng. Chưa kể phải chi trả nợ lãi là 96.084 tỷ đồng; số chi trả nợ gốc năm 2022 cũng lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ để cải tổ và tinh gọn bộ máy, nguồn lực ngân sách khó có thể được sử dụng hiệu quả, gây khó khăn cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là khi mục tiêu tăng trưởng hai con số mỗi năm đang được đặt ra bức thiết để hướng tới trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.