- Xung quanh câu chuyện thủ khoa thất nghiệp, nhiều ý kiến đặt vấn đề mà người đi học ở ta cần rút ra bài học: hướng nghiệp và tư duy doanh nghiệp nhà nước – tư nhân.
Một lễ vinh danh thủ khoa đại học. Ảnh: GDTĐ |
Hướng nghiệp nhầm đường
Độc giả Lan Hạ phân tích, ngay từ đầu chọn ngành, em Yến đã chọn một ngành nghề không phù hợp với phụ nữ là điện tử viễn thông. “Các công ty tư nhân không thích kỹ sư nữ, vì sức khoẻ và khả năng tập trung đều kém nam giới. Hãy nhìn các bạn khoác cặp chéo đi sửa chữa desktop, cài win dạo tại nhà, đó chính là công việc của các kỹ sư điện tử. Kỹ sư điện tử ngành viễn thông, thì tức là trèo lên cây lộc vừng trước cửa nhà giăng đoạn cáp quang, hay leo cột sóng Viettel thay ăng ten chảo. Công ty cần người làm được việc ngay, chứ họ sẽ không phí tiền, thời gian và công sức ra đào tạo kỹ năng làm việc cho chị. Với nền tảng kinh nghiệm trắng tinh như vôi bột họ không thể trả chị lương cao để ngồi chơi, nhưng tấm bằng cử nhân buộc họ không được trả thấp hơn một công nhân bình thường vốn có thể làm việc tốt gấp 5 lần chị”.
Đồng tình với ý kiến này, anh Lê Tuấn cũng cho rằng trường hợp của em Yến chọn một chuyên ngành quá đặc thù - là con gái nên cơ hội việc làm khó khăn.
Một số bạn đọc khác thì cho rằng ngoài việc chọn ngành không phù hợp với nữ giới, thì đây cũng là một ngành không phải thế mạnh của trường. Vì vậy em khó xin việc cũng là điều dễ hiểu.
"Điểm vào đại học của em không cao, chuyên ngành học không có đầu ra và khả năng cạnh tranh với các sinh viên trường khác như Bách khoa thấp, em lại là con gái học ngành kỹ thuật nữa. Cái bằng vốn chỉ để dễ được người ta cho qua vòng sơ loại thôi - vì vậy em cần thực tế hơn” – một cử nhân phân tích.
Người giỏi làm đâu cũng được
Anh Mạnh Hùng đặt thẳng câu hỏi với thủ khoa: “Em là người có học vấn, tại sao lại tỏ ra thờ ơ với khối doanh nghiệp tư nhân?”
Anh Hùng cho rằng em Yến cần thay đổi tư duy để hoàn thiện bản thân. “Những doanh nghiệp tư nhân mới là nơi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của một quốc gia. Em có biết là sự ra đời của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân sẽ thay thế cách doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu minh bạch, và không hiệu quả. Em có học vấn sau này vẫn cần vận dụng sáng tạo”.
“Tại sao không vào một công ty tư nhân nào đó vừa tầm và góp sức để phát triển công ty đó lên.....Nếu có tài thực sự và có trách nhiệm thì vào công ty tư nhân cơ hội lớn hơn nhiều. Trước đây mình từng là giảng viên đại học nhưng mình bỏ và thành lập doanh nghiệp hơn 10 năm nay rồi mình thấy thoải mái hơn nhiều.....” – quan điểm của một bạn đọc khuyến khích thủ khoa đầu quân cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thẳng thắn hơn, một độc giả nêu quan điểm: “Nói ra thì có vẻ tàn nhẫn với em nhưng tôi nghĩ em thất nghiệp là đúng. Bởi vì với xã hội bây giờ mà em quan niệm công ty tư nhân và công ty Nhà nước thì chứng tỏ em chỉ có một mớ lý thuyết suông”.
Trong khi đó, một bộ phận dư luận ái ngại cho rằng các thủ khoa liệu có đang quá ảo tưởng vào cái mác thủ khoa của mình. “Các bạn nghĩ rằng khi ra đời người ta sẽ trải thảm đỏ, tung hoa đón chào bạn chăng? Vậy nên khi thực tế không vậy các bạn vỡ mộng và than vãn? Tôi thấy ái ngại thay cho các bạn, nếu không sớm tỉnh mộng thì các bạn còn trượt dài trong thất bại. Mách nhỏ bạn, khi đi phỏng vấn bạn đừng khoe mình thủ khoa mà hãy chứng tỏ mình làm được việc gì”.
“Em khó xin việc cũng vì cái mác thủ khoa. Vì vào Nhà nước thì không có ô dù, có cửa rồi, còn vào tư nhân thì họ sợ đòi hỏi mức lương cao. Anh cũng là kỹ sư điện tử anh biết dù giỏi ở trường nhưng khi ra làm thực tế là gần như bằng không. Vì ngành đào tạo trường của em không phải ngành chính” – một cử nhân cùng ngành chia sẻ.
- N. Thảo (tổng hợp)
Xem thêm:
Thủ khoa cả đầu vào - đầu ra, 3 tháng chưa tìm được việc Thủ khoa cả “đầu vào” và “đầu ra” Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đang gánh nỗi lo thất nghiệp. Tâm sự của thủ khoa đầu vào-đầu ra chưa tìm được việc Chu Thị Yến thủ khoa kép Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trước khi ra trường đã tính tới nhiều phương án cho bản thân và không bi quan khi hiện vẫn chưa tìm được việc phù hợp. |