Còn nhiều phiền hà, phức tạp
Báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 27/4 cho thấy, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.
Cụ thể, có 87% DN đồng ý là cán bộ giải quyết công việc hiệu quả; 83% cho rằng cán bộ thân thiện; 80% cho biết thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật; 75% cho biết không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục và 74% nhận định thủ tục giấy tờ đơn giản. Các kết quả này chứng tỏ sự ghi nhận của cộng đồng DN đối với những tiến bộ của các cơ quan Nhà nước ở địa phương về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.
Một trong những nỗ lực nổi bật về cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây là việc ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, giúp giảm thiểu những phiền hà tốn kém và tăng sự minh bạch, thuận tiện cho DN.
Tuy nhiên, dù có những thành công đáng ghi nhận nhưng cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm thủ tục hành chính diễn ra ở những lĩnh vực mà người dân, DN ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách thủ tục chưa cao. Nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của DN. Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế phí, đất đai và xây dựng… tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất.
Cảm nhận của DN về mức độ trở ngại khi tuân thủ thủ tục hành chính trong những lĩnh vực này năm 2021 cao hơn so với năm 2020. Cụ thể, lần lượt có 29,02%, 28,92% và 13,07% DN cho biết thủ tục hành chính về thuế phí, đất đai và xây dựng còn nhiều phiền hà. Con số này tăng so với lần lượt 21,81%, 28,58% và 10,98% của năm 2020.
Một trong những phiền hà và trở ngại lớn nhất cho DN trong tuân thủ thủ tục hành chính trong năm 2021 là sự phức tạp của các quy định pháp luật. DN vẫn mất nhiều thời gian để có thể nắm bắt và thực hiện đúng các quy định. “Gánh nặng” này đã giảm trong các năm từ 2017-2020. Tuy nhiên, đến năm 2021, đã tăng trở lại, từ mức có 22% DN thừa nhận trong năm 2020 đã tăng lên mức 26% trong năm 2021.
Theo Báo cáo PCI, nguyên nhân có thể là do đại dịch Covid có mức độ lây nhiễm rất cao, hầu hết các địa phương trên cả nước, áp dụng nhiều biện pháp chống dịch mạnh mẽ, trong khi chưa có những hướng dẫn chi tiết, khiến rất nhiều DN lúng túng, dẫn tới bị gián đoạn sản xuất, dứt gãy chuỗi cung ứng, phát sinh chi phí lớn.
Nản lòng DN
Trong khi tiến hành các thủ tục về đăng ký kinh doanh thuận lợi thì việc tuân thủ các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn là một rào cản. Ở tất cả các địa phương, tỷ lệ DN cho biết thuận lợi trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện đều không quá vượt quá 60%.
Cụ thể có 53,7% DN đồng tình với nhận định: hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ; 52,1% đồng ý rằng quy trình giải quyết thủ tục đúng như văn bản quy định; 38,9% DN đồng ý rằng không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục hành chính; 43,4% cho biết, thời gian thực hiện thủ tục không kéo dài hơn so với quy định và 39,1% DN tin chắc, chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật.
Như vậy có nghĩa, có một tỷ lệ đáng kể DN không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép này. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến khoảng 21,7% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2021, Báo cáo nhận xét.
Tiếp cận đất đai cũng còn nhiều trở ngại. Do bản chất liên ngành, liên cấp của các vấn đề về đất đai, đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất ở nhiều địa phương. Chỉ có 42,9% DN cho biết có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2021, con số thấp nhất kể từ năm 2006 đến nay.
Nguyên nhân là do sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, mua đất; quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu; việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; giá đất cao và tăng nhanh; giải phóng mặt bằng chậm và thiếu quỹ đất sạch; quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế... Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc “an cư” của nhiều DN vẫn chưa được đảm bảo, để nghĩ tới việc đầu tư thêm hay mở rộng quy mô.
Theo kết quả khảo sát PCI, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2021.
Kết quả trên cho thấy mức độ chuyển biến không đồng đều ở các lĩnh vực cải cách thủ tục chính sách và vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN chưa nhận thấy có sự cải thiện qua thời gian. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa ở những lĩnh vực này.
Theo VCCI, trong năm 2022, để tiếp tục những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thực hiện: “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ. Việc thực hiện hiệu quả chương trình này, sẽ góp phần nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trần Thủy