Tại hội nghị, nhiều vấn đề người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải nhìn nhận một cách thẳng thắn để khắc phục.

Thiếu giáo viên, sách giáo khoa... vấn đề "nóng" của ngành Giáo dục

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn một số bất cập như xây dựng và triển khai chương trình phổ thông mới chưa đồng bộ với công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo. Ngành Giáo dục chậm ban hành SGK tiếng dân tộc. 

Một số địa phương chưa thực hiện kịp thời biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; việc dạy các môn tích hợp còn bất hợp lý. 

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thủ tướng cũng đề cập không ít khu đô thị, khu công nghiệp đã không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường lớp, dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định. Vì vậy gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10 là điều khó tránh khỏi. 

Thủ tướng cũng dẫn chứng bằng câu chuyện tuyển sinh của Hà Nội vừa qua - khi phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm tranh suất học cho con. 

“Sĩ số học sinh/lớp có nơi thiếu, chỗ lại quá đông. Việc này, các địa phương phải để tâm. Khi còn làm ở địa phương, tôi thấy mình phải đi rất nhiều, mới có thể điều chỉnh. Rất mong các đồng chí quan tâm, hay đã và đang quan tâm, bây giờ quan tâm nhiều hơn nữa”, Thủ tướng chia sẻ với các bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu. Vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học vẫn còn bất cập.

Thủ tướng cũng cho hay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn. Nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện Chương trình phổ thông mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.

Cần có giải pháp tài chính để hỗ trợ giáo viên

Nhận định những hạn chế của ngành giáo dục năm học qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một số chỉ đạo cụ thể. 

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.

Những nội dung Thủ tướng cho rằng cần ưu tiên là xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; rà soát kỹ, lựa chọn và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để có định hướng cho hoạt động dạy, học và ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho học sinh và gia đình và xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Người đứng đầu Chính Phủ cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới của đất nước. “SGK cần phải đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và có tính ổn định phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần đảm bảo SGK kịp thời cho năm học 2023-2024.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cũng được yêu cầu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. 

"Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Đề nghị 2 Bộ trưởng gặp nhau khẩn trương để xem xét về phụ cấp cho giáo viên", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. 

Cùng đó, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu của người học, xu hướng đô thị hóa, tốc độ gia tăng và sự dịch chuyển dân số giữa các vùng, miền… 

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần được tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời như: Kiên quyết không để ma túy, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; Khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học; rà soát việc dạy học môn Giáo dục công dân trong trường phổ thông. 

Hội nghị Tổng kết năm học được Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 8 hàng năm. Bên cạnh việc tổng kết những kết quả năm học vừa qua, các địa phương, trường học và lãnh đạo bộ ngành cũng bàn về những vấn đề 'nóng' còn tồn tại của ngành.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV