Tại buổi tiếp, hai bên cùng đánh giá biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan, khó lường và khó dự báo trên phạm vi toàn cầu, vì vậy, cần có tinh thần đoàn kết quốc tế và cách tiếp cận toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí methane; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác.

Việt Nam coi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của thế giới cũng như đối với Việt Nam, cũng là xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Để làm được điều này, nỗ lực trong nước là tiên quyết, đồng thời, hợp tác quốc tế là quan trọng và mang tính đột phá. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Vương quốc Anh và các đối tác phát triển trong quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng cần hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và chia sẻ kinh nghiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Alok Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công nghệ, Thủ tướng đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; hỗ trợ Việt Nam xây dựng bản đồ đánh giá chính xác tiềm năng điện mặt trời, điện gió (bao gồm trên bờ và ngoài khơi) trên các vùng miền.

Về tài chính, các đối tác phát triển cần xem xét cho Việt Nam vay mức lãi suất hợp lý; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để các nhà đầu tư khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo bán điện với mức giá hợp lý, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách công bằng và công lý, sao cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có lợi nhưng người dân Việt Nam cũng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về những chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng được trở lại Việt Nam lần thứ ba trong 18 tháng qua và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết tại COP26.

Chủ tịch COP26 cho biết, ông sẽ chuyển thông điệp của Thủ tướng về công bằng và công lý trong hợp tác chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu đến các đối tác phát triển và mong muốn Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ được thông qua nhân dịp COP27 tại Ai Cập vào cuối năm nay.

Còn tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Vương quốc Anh cùng các nỗ lực của cá nhân Chủ tịch COP26 trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm thực thi mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Việt Nam là một trong những nước đi đầu và là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Tại Hội nghị IPU – 132 tổ chức tại Hà Nội do Việt Nam đăng cai tổ chức, Quốc hội Việt Nam và Chính phủ Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới đề xuất và đưa khung khổ phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc đến 2030 vào khung khổ phát triển quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Alok Kumar Sharma. Ảnh: Quốc hội

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại COP26.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc chuyển đổi năng lượng theo các cam kết quốc tế cần tính tới trình độ phát triển của các quốc gia, cần đảm bảo sự công bằng, bền vững; cần cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm cao hơn của các quốc gia phát triển và cần tính tới tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thách thức trực tiếp việc hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và kết quả của COP26.  

Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành với Chính phủ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, đây là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia đặc biệt trong bối cảnh biến động như hiện nay. Các quốc gia đều cố gắng đáp ứng nhu cầu về năng lượng để duy trì hoạt động kinh tế cũng như đời sống của người dân. Một số quốc gia tại Liên minh Châu Âu đã có chính sách ứng phó và đạt được mục tiêu đáp ứng được nhu cầu năng lượng tức thời cũng như thúc đẩy kịp thời chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đẩy mạnh điện mặt trời...

Chủ tịch COP26 bày tỏ mong muốn thời gian tới, sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo liên quan đến các vấn đề về kỹ thuật, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và quan điểm là cần phải thúc đẩy lộ trình giảm điện than,...

Ngoài ra, Chủ tịch COP26 cũng mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi, cập nhật những quy định pháp lý mới để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, sửa đổi lại văn bản cần thiết như: hợp đồng mua bán điện,…

Ông Alok Kumar Sharma cũng đến thăm Cần Thơ, một tỉnh thuộc ĐBSCL - cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ - để quan sát tác động của tình trạng xói lở bờ sông và tác động của mực nước biển dâng đối với các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao. Ông Sharma đã trò chuyện cùng và lắng nghe những chia sẻ trực tiếp từ người dân ở cộng đồng địa phương về dự án tăng cường khả năng chống chịu của đô thị trước lũ lụt và tác động của biến đổi khí hậu.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch COP26 sẽ tới Indonesia để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường G20 tại Bali.