Nhận định trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ TT&TT được tổ chức ngày 28/12/2019.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xếp hạng của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử hiện còn khiêm tốn. |
Cho rằng những kết quả Bộ TT&TT đạt được trong năm qua đã chứng tỏ Bộ TT&TT “lời nói và việc làm đã đi liền với nhau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2019 toàn ngành TT&TT đã vượt qua nhiều thách thức, có bước tiến bộ toàn diện ở tất cả các lĩnh vực của ngành, trong đó có việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tin tưởng Bộ TT&TT đã nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
“Bộ TT&TT đã làm được một số việc rất quan trọng. Chúng tôi rất ấn tượng khi Bộ TT&TT khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia nòng cốt về xây dựng Chính phủ điện tử, một chương trình hết sức cụ thể để góp phần làm đúng hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn Chính phủ điện tử Việt Nam do Bộ TT&TT chủ trì, thường trực thực hiện”, Thủ tướng nhận định.
Lý giải rõ hơn về quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: “Không phải chúng tôi không tin Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có rất nhiều đồng chí nhiệt tình nhưng điều quan trọng là cần phải có nghề, phải huy động được toàn xã hội tham gia xây dựng Chính phủ điện tử. Chính vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này. Bước đầu Bộ TT&TT đã tạo ra chuyển biến đáng mừng. Đây là việc lớn chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy, nhưng bước đầu đã hình thành nên chủ trương, cách làm mà các đồng chí đặt ra rất đáng phấn khởi”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, Chính phủ điện tử ở Việt Nam thứ hạng còn khiêm tốn. “Bộ TT&TT có trách nhiệm đưa thứ hạng này đi lên. Bộ TT&TT phải trực tiếp xử lý và tham mưu xử lý các vấn đề về công nghệ và đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng chỉ đạo, ngay từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT phải xây dựng Chiến lược chính phủ điện tử vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều nhiệm kỳ, cần có sự xuyên suốt (Ảnh minh họa: Internet) |
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, trong năm 2020 Bộ TT&TT phải làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển Chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT phải xây dựng Chiến lược chính phủ điện tử vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều nhiệm kỳ, cần có sự xuyên suốt.
Trước thực tế đô thị thông minh đang nở rộ, Thủ tướng đề nghị Bộ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, xác định cấu phần của đô thị thông minh, nhất là cơ chế giám sát, điều hành từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí. Cần sơ kết bài học xây dựng đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế để giảm chi phí, ứng dụng nhiều nội dung từ xử lý rác thải, quản lý tội phạm đến xử lý sự cố.
Chia sẻ về định hướng triển khai Chính phủ điện tử trong năm 2020, đại diện Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cho biết, với tầm nhìn năm 2020 sẽ là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số, năm tới, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam cần hoàn thành được các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 tại Nghị quyết 17 của Chính phủ,đặc biệt là chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 30%.
Cùng với đó, trong năm tới, bên cạnh việc đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 50% lên 100%, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu 100% bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) và Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, theo đại diện Cục Tin học hóa, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới như: xây dựng, ban hành Chiến lược, hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện các hệ thống tạo nền tảng Chính phủ điện tử; xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử ưu tiên triển khai tại bộ, ngành, địa phương; thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tránh đầu tư dàn trải, lãng phí…