Sáng ngày 19/9 (theo giờ địa phương, tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), tiếp tục chương trình hoạt động song phương tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C.

Nhắc lại sự kiện cách đây hơn 1 tuần Tổng thống Joe Biden có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, 48 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ đã có bước tiến dài, có thăng trầm và đột phá. 

Điều này cho thấy tinh thần “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi Tổng thống Mỹ Truman ngày 16/02/1946 đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Tôi đến hội trường này, rất xúc động vì nhiều người châu Á từng thành đạt từ ngôi trường này, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam từng học ở đây”, Thủ tướng phát biểu, đồng thời cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của trường không những cho Mỹ mà cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Sau đó Thủ tướng tập trung đi sâu vào 3 vấn đề lớn: Thế giới hiện nay thế nào?; Mục tiêu và một số chính sách lớn của Việt Nam thời gian tới; Cần làm gì để hiện thực hóa mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ?

Chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hóa giải thách thức

Khái quát lại tình hình thế giới, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hoà bình - cục bộ có chiến tranh; tổng thể là hoà hoãn - cục bộ có xung đột; tổng thể là ổn định - cục bộ có căng thẳng. 

“Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa phát triển và tụt hậu, giữa độc lập và phụ thuộc trở nên mong manh. Các thách thức già hoá dân số, an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, lương thực, nguồn nước, năng lượng và tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng diễn biến ngày càng gay gắt, đa chiều, gây ra hậu quả nặng nề", Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng cũng tổng kết, kinh thế toàn cầu đang chứng kiến nhiều “cơn gió ngược”. Ngân hàng Thế giới đã phát đi cảnh báo về một "thập kỷ mất mát". Nhiều mục tiêu phát triển bền vững bị đẩy lùi, khó có thể hoàn thành vào năm 2030…

“Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn con đường chủ động thích ứng, tranh thủ cơ hội, hóa giải thách thức, lấy hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển làm mục tiêu, lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng, lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về mục tiêu một số chính sách lớn của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần “đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công". Cùng với đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài…

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Một đất nước từ chiến tranh tro tàn, lúc đó chúng tôi đứng ở chân tường và đáy giếng, không còn cách nào khác ngoài đạp tường đi lên với tinh thần không nao núng, không chịu khuất phục”.

Từ đó, Thủ tướng nêu rõ một số định hướng lớn của Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc)… Trong quá trình đó, yếu tố con người là xuyên suốt, không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. 

Từ kết quả thực tiễn đạt được, Thủ tướng khẳng định, các chính sách đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Nhờ đó, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI.

Hiện thực hóa một 'Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng"

Phân tích về vấn đề hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng mối lương duyên giữa hai dân tộc đã bắt đầu từ lâu. Trong đó, Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ là một trong những ý tưởng cảm hứng để Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn mở đầu Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tuy còn tồn tại một số khác biệt nhưng không cản trở đà phát triển tự nhiên của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Mỹ.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ hai nước còn tồn tại một số khác biệt nhất định. Những khác biệt này là thực tế khách quan trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển riêng. Thế nhưng lịch sử đã chứng minh, những khác biệt này không cản trở đà phát triển tự nhiên của quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Mỹ.

Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng đề xuất một số quan điểm. Trong đó, hai bên cần khẳng định sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước, hiện thực hóa tầm nhìn và các mục tiêu cho quan hệ hai nước trên tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". 

Theo Thủ tướng, trong khuôn khổ mới, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, cách thức mới để tạo ra những đột phá mới, đạt được những thành quả mới. Hai bên cần tập trung cụ thể hóa việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Đó là tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước. Trong đó, Việt Nam mong muốn Mỹ hỗ trợ để góp phần hiện thực hóa định hướng xây dựng "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Hai bên tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương. 

Mỹ cần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Mỹ tại Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, hai bên cần sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Trong đó, xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn...

Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; thúc đẩy quan hệ hai nước không làm tổn hại lợi ích của nước khác.

Dẫn câu nói của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln "Luôn nhớ rằng quyết tâm thành công của chính bạn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác", Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ sung thêm và kết thúc bài phát biểu: “Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi và ngược lại".

Thu Hằng (từ Washington, D.C)