Hưởng lợi từ đầu tư công

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) của chủ tịch Đào Ngọc Thanh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cũng tăng gần tương tự, lên 273 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Vinaconex lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh ấn tượng của Vinaconex, lợi nhuận đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính.

Với tốc độ như vậy, Vinaconex có thể sẽ đạt kế hoạch năm 2022 với doanh thu đặt ra trước đó là 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 143% và 169% so với thực hiện 2021.

Một doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công của Chính phủ là CTCP Cienco 4 (C4G). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ, lên gần 2.050 tỷ đồng, với mảng xây dựng xây dựng là chủ yếu (gần 59%). 

Lợi nhuận 9 tháng của Cienco 4 tăng gần gấp đôi cùng kỳ, nhưng mới thực hiện được 1/3 kế hoạch năm do chi phí tài chính tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá vốn tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng doanh thu, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận chung.

Cienco 4 là doanh nghiệp trước thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, sau đó chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ 2014. 

 Trong hai tháng cuối năm, ước tính còn khoảng 11 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân. (Ảnh minh họa: Fecon)

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp liên quan tới đầu tư công gặp khó khăn, thậm chí ghi nhận kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) báo lợi nhuận quý III/2022 giảm 57% so với cùng kỳ xuống còn hơn 46,5 tỷ đồng do doanh thu giảm vì mùa mưa bão ở khu vực miền Trung và do chi phí giá vốn trong kỳ tăng, đặc biệt với hoạt động thi công xây lắp.

Theo giải trình của doanh nghiệp, việc khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu, giá xăng dầu và nguyên vật liệu tăng giá trong bối cảnh lạm phát tăng cao đã làm tăng đáng kể giá vốn hàng bán của công ty trong quý III.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng lợi nhuận sau thuế của HHV vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, lên gần 240 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) của chủ tịch Trần Đình Long thua lỗ nặng trong quý III/2022. Trong kỳ này, HPG báo doanh thu giảm 12% so với cùng kỳ, xuống 34.440 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế âm 1.786 tỷ đồng do nhu cầu thép trong nước suy giảm và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Tính chung 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ở mức cao, tương ứng gần 116.560 tỷ đồng và 10.443 tỷ đồng, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.

Sở dĩ lợi nhuận quý III suy giảm, theo Hòa Phát, là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là than cốc, cao gấp nhiều lần so với bình thường.

Chờ cú bứt phá cuối năm

Các doanh nghiệp ngành thép là nhóm được hưởng lợi nếu các dự án hạ tầng xây dựng được đẩy mạnh. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp thường hưởng lợi nhiều nhất nhờ thị phần thép lớn nhất Việt Nam cùng lợi thế cạnh tranh bền vững. 

Tuy nhiên, tình hình không thuận lợi khiến các cổ phiếu ngành thép giảm mạnh. Tính tới đầu tháng 11/2022, cổ phiếu HPG đã xuống 15.000 đồng/cp, mức thấp nhất trong hai năm qua.

Trong quý cuối năm, Vinaconex cũng như những doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới hoạt động đầu tư công của Nhà nước (như: HHV, C4G, HPG, PLC, TCD, ELC, ITD,... ) có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với lượng tiền giải ngân rất lớn nếu Chính phủ đẩy mạnh hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm, sau khi mới đạt mức thấp những tháng đầu năm.

Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt hơn gần 298 nghìn tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch Chính phủ giao. Như vậy, trong hai tháng cuối năm, ước tính còn khoảng 11 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt với hai lần tăng lãi suất mạnh và kiểm soát lượng tiền vào nền kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát có thể leo thang trên thế giới.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và giữ ổn định xã hội, thì việc thúc đẩy mạnh đầu tư công là nhiệm vụ bắt buộc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm, khi các dự án đã tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu và giải ngân. Ước thực hiện giải ngân năm 2022 sẽ đạt trên 90% kế hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư công sẽ được thúc đẩy bằng việc thắt chặt kỷ luật, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương.

Dòng tiền cuối năm đổ vào nền kinh tế được cho là sẽ tăng mạnh, qua đó tác động tích cực tới các doanh nghiệp, tới tính thanh khoản trên các thị trường nói chung và giúp GDP tăng thêm như đánh giá của nhiều chuyên gia.