Biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu là những thách thức lớn đặt ra. Làm gì để ứng phó với những thách thức trên là câu hỏi luôn đặt ra đối với các nhà khoa học, nhà quản lý và với chính với mỗi người. Và phát triển kinh tế tuần hoàn đang được xem là phương thức quan trọng để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hướng tới phát triển bền vững. 

Chính vì vậy, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.

Nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”.  

W-41   kinh tế tuần hoàn.jpg
Tham luận gửi đến Diễn đàn là các bài viết tập trung vào việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp khép kín, nhờ đó, giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, nhằm tối thiểu hóa tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể. 

“Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh cho biết. 

Tại diễn đàn, Thượng tướng PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên UVTW  Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Dựa trên quan điểm rằng mọi thứ đều có thể là đầu vào của một quá trình sản xuất, có thể hiểu, kinh tế tuần hoàn bao gồm ba nội dung cốt lõi: (1) Giảm thiểu phát thải ra môi trường thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, năng lượng và sử dụng nguyên liệu, năng lượng có khả năng tái tạo; (2) Tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; (3) Tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào sản xuất.

Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, Diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Các bài viết tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm, then chốt như: (i) Kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; (ii) Thực trạng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tập trung vào tuyến vấn đề: thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn; thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình và vấn đề khơi thông và huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường các-bon, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng tuần hoàn và phát triển các nguồn năng lượng mới; (iii) Các rào cản, điểm nghẽn của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn vừa qua; (iv) Những sáng kiến, những điển hình về mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình kinh tế tuần hoàn ở khu vực doanh nghiệp...

Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm tham luận chuyên đề mang tính chuyên biệt, chuyên sâu và trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hoạch định chính sách. Các vấn đề đã được nhận diện và được phân tích, mổ xẻ đa chiều để chắt lọc thành những đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh thời đại mới ở Việt Nam.

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.