Hãng thông tấn ABC News khẳng định, tin cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể tiến hành một cuộc đảo chính nhằm lật đổ người kế nhiệm Donald Trump, chỉ là tin vịt.

Thông tin giả kể trên đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Facebook. Theo ABC News, tin vịt chứa nhiều chi tiết dựa trên các sự kiện và dữ liệu có thực, chẳng hạn các phát ngôn, và chúng được cắt ghép rồi đặt vào những ngữ cảnh hoàn toàn khác để ngụy tạo với ý đồ xấu.

{keywords}

Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng thống đắc cử Donald Trump ở Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ngày 10/11/2016. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, bản tin có tựa đề "TIN NÓNG: Quốc hội tiến hành các bước đi nhằm NGĂN CHẶN âm mưu đảo chính chống lại Trump", đăng trên trang Angry Patriot đã được chia sẻ tới hơn 38.000 lần. Sau đó, bản tin giả này được hàng chục trang web khác đăng tải lại và nó tiếp tục được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Một trong những trang web đó có tên Trump Media. Trang này viết: "Tất cả những tin tức được xuất bản trên trang đều có độ tin cậy... Trump Media không thực hiện bất kỳ sự bảo đảm nào về tính đầy đủ, độ tin cậy và độ chính xác của thông tin".

Tuy nhiên, cả Trump Media lẫn Angry Patriot đều không hồi đáp yêu cầu xác thực từ ABC News.

Theo ABC News, tin vịt kể trên dựa vào sự kiện cố vấn an ninh của ông Trump là Michael Flynn phải từ chức với cáo buộc trò chuyện với Đại sứ Nga tại Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, có cơ sở để xác định thông tin trong bài viết của Angry Patriot là giả mạo, bởi cựu Tổng thống Obama không hề có liên hệ gì tới vụ rò rỉ thông tin Flynn "đi đêm" với người Nga.

Tin tức giả (Fake News) là vấn nạn lớn được cho là đã gây nhiễu và sai lệch thông tin trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2017. Hiện các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google đều đang thực hiện những cơ chế kiểm tra chéo nhằm ngăn chặn việc phát tán tin giả trên các nền tảng của mình.

ABC News cũng tham gia vào chiến dịch ngăn chặn tin giả cùng Facebook, trong đó cho phép người dùng truy vấn những tin tức bị nghi ngờ sai lệch. Sau đó, tin tức đó sẽ được kiểm tra chéo một cách nghiêm ngặt, nhằm xác định xem các tuyên bố có bị ngắt khỏi ngữ cảnh, bị phóng đại hay làm sau lệch hay không.

Những tin tức bị coi là giả mạo sẽ bị "gắn cờ" khi xuất hiện trên N​ews Feed.

(Theo TTXVN)