Thực trạng cá độ eSport trên thế giới

eSport có thể xem là môn thể thao mới và đang phát triển cực nhanh, nhưng cũng như bất kỳ môn thể thao nào khác, nó cũng có mặt trái, đó là nạn cá cược. Khởi điểm có thể xuất phát từ niềm yêu thích các cá nhân, đội tuyển. Những người cá cược đặt niềm tin vào chiến thắng của thần tượng và cho rằng điều này cũng giúp việc theo dõi các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi nhu cầu cá cược ngày một lớn lại chính là mảnh đất màu mỡ cho những người cá độ chuyên nghiệp “làm tiền”. Và từ đó cũng dẫn tới nhiều hệ lụy.

Thể thao điện tử chịu nhiều tác động từ hoạt động cá cược

.

Theo ước tính của Superdata, một năm eSport toàn cầu đạt trị giá khoảng 612 triệu đô la Mỹ. Twitch, nền tảng trực tuyến chuyên phát hình game, cho biết hàng tháng họ có hơn 100 triệu lượt người xem, và trung bình mỗi người xem khoảng 106 phút/ngày. Xu hướng cá cược về eSport do đó cũng phát triển rất mạnh trên các trang cá cược. Đơn cử như trang William Hill (Anh) đã nhận 14 nghìn lần đặt cược về game trong năm 2014, có tổng trị giá khoảng 395 nghìn đô la Mỹ, gấp bốn lần so với năm trước đó. Đó mới chỉ là một trang chính thống, còn rất nhiều kênh “chui” khác, các nguồn tiền có thể vô tư chảy vào đó mà không có nhiều cơ chế để quản lý. Tất nhiên khi quản lý lỏng lẻo tất sẽ loạn.

Team CS:GO Virtus.Pro cũng dính nghi án bán độ.

 

Thực tế đã xảy ra tình trạng game thủ vị thành niên lén lấy tài khoản ngân hàng của cha mẹ để nạp tiền ảo tham gia vào các vụ cá cược. Hay tệ hơn, đó là trình trạng mua độ, khi các game thủ chuyên nghiệp không đủ bản lĩnh trước cám dỗ của đồng tiền rất dễ đánh mất mình, và cả sự nghiệp trong tương lai. Người chịu hậu quả không chỉ bản thân những game thủ bán độ, còn là niềm tin của fan eSport chân chính bị mai một, hay cái hồn của các trận thi đấu đỉnh cao cũng không còn.

Năm ngoái, khi nhiều vụ việc dàn xếp tỉ số với bộ môn thi đấu Counter Strike: Global Offensive (CS:GO) liên tục bị phanh phui đã khiến nhiều người tỏ ra quan ngại trước tình trạng ngày càng xấu đi của eSports thế giới. Nhiều xạ thủ đã tự quăng đi sự nghiệp của mình chỉ để kiếm được vài trăm hoặc vài ngàn USD. Hành vi của họ đã khiến CS: GO mất đi hình tượng cạnh tranh lành mạnh ban đầu của nó. Chưa kể đến điều này có thể sẽ để lại một vết nhơ khó gột rửa. Có thể lý giải vì eSports vẫn còn quá non trẻ, và cần những vụ việc như vậy để có động lực phát triển hơn. Hay bởi eSports hầu như không có một đầu não quản trị khắt khe như NFL hay FIFA để sát sao vấn đề này.

Riot Game được cho là làm khá tốt khâu vận hành và quản lý game.

 

Tuy nhiên, khi nhìn rộng ra, vẫn còn những nhà phát triển như Riot Games thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình. Họ vẫn luôn quan sát, theo dõi mọi thứ liên quan đến trò chơi. Với trường hợp của CS:GO, họ chỉ phát hiện ra những trận đấu “nghi vấn” khi có nhiều tài khoản đặt cược một cách đáng ngờ mà thôi. Để lấy lại niềm tin của người hâm mộ, Valve đã bắt tay vào tiến hành điều tra để làm trong sạch cho làng CS:GOchuyên nghiệp. Việc cấm các game thủ chuyên nghiệp hay quản lý team tham gia hay có bất cứ liên quan nào tới các hành vi cá cược là hành động cần thiết và chính đáng.

Cá cược bắt đầu len lỏi vào eSport Việt Nam

Một trong những nhân tố khiến ngành cá cược eSports được để ý tới chính là khán giả. Ví dụ, trong trận chung kết Liên Minh Huyền Thoại 2014, đã có tới 27 triệu người xem, bằng với cả lượng người xem World Cup tại Mỹ cùng năm đó. eSport đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng gần 20 năm. Ngày đó, quán net chính là địa điểm “yêu thích” của các game thủ để thể hiện đam mê, để tranh tài. Và cũng từ đó lượng người chú ý, theo dõi hay tham gia vào eSport ngày một tăng lên, đi liền với đó cũng là hình thức cá cược, tuy còn đơn giản.

Ngày xưa ấy, game thủ thách đấu với nhau chỉ là trả tiền giờ, ổ bánh mỳ hay chai nước ngọt. Sau đó tất cả đều vui vẻ thậm chí kết giao để cùng luyện tập, thành lập team chung. Việc “ra kèo” có thể cũng chỉ để khẳng định kỹ năng bản thân, mang vinh dự về cho team, cho lớp hay cho trường mà thôi. Nhưng dần dần, việc cá cược cũng trở nên thực dụng hơn, nhiều người chỉ coi eSport là trò đỏ đen, một cách để kiếm tiền. Điều này không được ủng hộ nhưng nó vẫn âm thầm diễn ra và ảnh hưởng tiêu cực đến eSport còn non trẻ tại Việt Nam.

Game AOE được quan tâm tại Việt Nam nhưng đang chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng cá cược.
 

Với việc phương tiện truyền thông đang ngày một phát triển, streaming game có thể tiếp cận rất dễ dàng thì cá độ không còn chỉ diễn ra nhỏ lẻ ở các quan net mà có thể đặt cược chỉ với vài click chuột. Phần thưởng thu về có thể là vật phẩm game, xu (tiền ảo trong game) hay cả tiền thật và đủ để cho người ta ham muốn, dần dần “gây nghiện”. Không ai dám chắc nó chỉ vài chục hay vài trăm nghìn, mà con số có thể lên gấp nhiều lần tới hàng chục, trăm triệu đồng. Khi đó, eSport Việt cũng khó thoát khỏi sự điều khiển của kim tiền, các trận đấu diễn ra không còn được người xem chú ý vì mục đích, vinh quang cho vận động viên mà chỉ quy về kết quả thắng hoặc thua, được hay mất tiền.

Tình trạng này có thể thấy được từ trường hợp nhãn tiền là game AOE (Đế Chế) tại Việt Nam. Nhiều game thủ than phiền về cộng đồng AOE nước nhà ngày một thoái trào và đi xuống. Một game thủ tâm huyết tâm sự: AOE hiện nay gần như dành cho những cá nhân, những người đánh cờ bạc chứ không phải cho những fan AOE chân chính. Họ luôn chỉ biết lợi dụng các trận đấu, lợi dụng công sức của các game thủ. Lúc nào cũng chỉ mong có kèo, có trận đấu để cá độ kiếm lời cho cá nhân chứ nào biết tính hấp dẫn, hồi hộp, căng thẳng và kịch tính của trận đấu. Lúc nào cũng nhăm nhăm xem hôm nay độ bên nào, đánh lô quân gì. Khi trận đấu diễn ra thì chỉ nhăm nhăm phút đầu soi quân, kết thúc thì luôn miệng hỏi bên nào thắng, nào có hỏi tình tiết trận đấu có gì hay. Nói là độ xem cho hấp dẫn chứ thực ra hấp dẫn ở tiền họ bỏ ra được ăn thua chứ nào vì cái gì cho AOE”.

Nhiều người đã tỏ rõ sự thất vọng và buồn khi cá cược, “độ kèo” đã làm mất đi hình ảnh đẹp, làm ảnh hưởng nhiều đến AOE. Các trận đấu giữa các đội tuyển ít nhiều đều dính đến chữ “tiền”, chính vì vậy có cơ sở thắng thì họ mới đấu. Thực sư, nếu vắng những cá nhân chuyên coi AOE là công cụ kiếm tiền thì game sẽ đẹp hơn, cộng đồng phát triển và bền vững hơn nhiều.

Dẫu biết cá cược sẽ còn luôn song hành khi thể thao còn tồn tại nhưng không nên chấp nhận nó mà “sống chung với lũ”. Bằng không, cần có những công cụ để quản lý, những bên trung gian uy tín để hạn chế thấp nhất những vụ “mua bán độ” làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam.

 

Theo gamethu