Đó là một dấu mốc lịch sử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Lê Đức Thuý.

Ông Thuý nhớ lại, khi ông đang làm Trợ lý cho Tổng Bí thư Đỗ Mười thì được đề xuất chuyển về Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Phan Văn Khải đang rất cần tìm nhân sự chủ chốt.

Trước đó, từ tháng 9/1991- 9/1992, ông được cử đi học 1 năm theo chương trình tu nghiệp dành cho học giả, quan khách tại Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard, Mỹ.

Tuy nhiên, cũng từng có ý kiến băn khoăn rằng, liệu có nên không khi ông Thuý từng giữ trọng trách và biết nhiều công việc rất cơ mật của Đảng, Nhà nước.

Rất may, Tổng Bí thư Đỗ Mười ủng hộ cử ông đi du học khi bút phê vào một văn bản: "Chú Thuý không làm việc liên quan đến quốc phòng hoặc an ninh. Có thể đi học được...".

Tu nghiệp xong, về nước ông tiếp tục làm ở mảng công việc cũ liên quan đến tài chính, ngân sách giúp Tổng Bí thư. Nhưng rồi không lâu sau, bên Ngân hàng Nhà nước đang cần một Phó Thống đốc vững vàng về chuyên môn và ông Thúy được cử sang.

Đến tháng 5/1998, Bộ Chính trị quyết định cử Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng kiêm nhiệm thêm chức Thống đốc Ngân hàng. Đây cũng là lúc ngành ngân hàng đang gặp khó khăn về nhiều vấn đề. Ông Thuý trở thành cộng sự quan trọng giúp vị Thống đốc Nguyễn Tấn Dũng .

Đến tháng 12/1999 thì ông Nguyễn Tấn Dũng rút khỏi Ngân hàng Nhà nước và trọng trách Thống đốc được giao cho Lê Đức Thuý.

Ông Lê Đức Thúy.jpg
Ông Lê Đức Thúy. Ảnh Quốc Phong.

Lúc đó, đồng tiền Việt Nam bị làm giả rất tinh vi, bị tuồn vào trong nước từ nước ngoài, phá hoại nền kinh tế vốn đang rất khó khăn…

Trước đó, năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang về một tờ tiền polymer mệnh giá 5 đô la Úc và trao cho Thống đốc Cao Sỹ Kiêm như một thông điệp gửi đến cho ban lãnh đạo ngành Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sớm để chuyển đổi công nghệ in tiền hiện đại này, khắc phục nhiều hạn chế mà tiền giấy đang gặp phải.

Ngân hàng Nhà nước đã cử 18 đoàn cán bộ ngân hàng và các cơ quan liên quan đi nước ngoài tìm hiểu các nước có dùng tiền polymer và có 12 đoàn trong số đó viết báo cáo theo hướng ủng hộ.

Tiếc rằng đến năm 1996 thì ông Kiệt cũng hết nhiệm kỳ công tác cho nên việc này cũng gác lại…

Khi lên vị trí Thống đốc cuối năm 1999, ông Thúy cho khởi động việc xây dựng dự án in tiền trên giấy nền đa lớp polymer với quyết tâm rất lớn. Chính phủ đã uỷ quyền cho ông Thuý báo cáo Bộ Chính trị đề án đổi tiền mới.

Đề án ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là đổi tiền mệnh giá nhỏ còn giữ nguyên tiền mệnh giá lớn. Tuy nhiên, lúc đó ở một số nước ở châu Âu xuất hiện tình trạng tiền in bằng gấy coton bị làm giả chỉ sau 6 tháng phát hành.

Trước tình thế đó, Thống đốc Lê Đức Thuý đã đưa ra bàn trong Ban dự án in tiền polymer rồi quyết định chuyển hướng, điều chỉnh in và lưu thông tiền có mệnh giá lớn bằng giấy polymer thay vì tiền có mệnh giá nhỏ.

Do chi phí in ấn không bị phát sinh, thậm chí còn ít tốn hơn cho nên ông đã không báo cáo Bộ Chính trị. Ở các nước, việc in tiền thế nào, mẫu mã ra sao... đều do Thống đốc quyết, còn ở nước ta thì Thủ tướng quyết.

Từ nguyên tắc việc in tiền phải tuyệt đối giữ bí mật để tránh đồn đại, hoang mang xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý người dân về giá cả,… nên Thống đốc đã giữ gìn thông tin với ngay cả một số thành viên thuộc Ban lãnh đạo Ngân hàng không nằm trong ban dự án. Ông cũng không tổ chức họp Ban sự Đảng vì cho rằng, đây là nhiệm vụ tuyệt mật cho nên ông chỉ báo cáo trực tiếp với Thủ tướng.

Nhưng rồi chính vì không báo cáo cho các cơ quan khác để giữ bí mật thông tin, ông bị quy trách nhiệm cá nhân, nhiều chuyện, kể cả đời tư, bị đưa lên công luận mà đỉnh điểm là năm 2006.

Rất may sau đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ kết luận, giải toả cho Thống đốc. Ông Thúy không bị kỷ luật ngoài việc kiểm điểm rút kinh nghiệm vì chưa đúng quy trình...

Gần đây, một doanh nghiệp có tên là Q&T Việt Nam đã được phép sản xuất phôi giấy nền đa lớp, giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng nhập khẩu. Công nghệ của nhà máy Q&T PolySecure Việt Nam với sự hợp tác của Tập đoàn Crane Currency, Hoa Kỳ là hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà máy này do CH Liên bang Đức sản xuất theo đơn đặt hàng đơn chiếc từ Việt Nam.

Ông Gary Power, một chuyên gia hàng đầu thế về công nghệ in tiền polymer và có nhiều chục năm về công nghệ in tiền ở Úc, khi đến Việt Nam gần đây đã khẳng định, công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp của Việt Nam là “tốt nhất” hiện nay.

Từ đó đến nay đã 20 năm trôi qua, và tiền polymer đã mang lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận so với tiền giấy trước đây.

Quốc Phong

Chữa bệnh thừa tiềnGần đây bắt đầu xuất hiện một số nhận định khá lạc quan rằng, tổng cầu của nền kinh tế đã bắt đầu hồng hào lên và ba động lực là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tốt.