Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước Đông Dương, đặc biệt là quan hệ hữu nghị Việt - Lào, Lào – Việt coi đây là tài sản vô giá của hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Dày công xây dựng và vun đắp, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này ngày càng được củng cố và phát triển trong triến trình đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành được độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt-Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”.
Thấu hiểu sâu sắc rằng, có vị thế địa- chính trị quan trọng ở Đông Dương; đều bị thực dân Pháp thống trị, áp bức và đế quốc Mỹ xâm lược, ba dân tộc Đông Dương, trong đó Việt Nam và Lào muốn giành được độc lập, tự do và xây dựng, phát triển đất nước ắt không thể không đoàn kết, cùng đấu tranh chống kẻ thù. Vì vậy, ngay từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã chuẩn bị để xây dựng một chính Đảng cách mạng chân chính, một đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao đạo đức cách mạng, xứng đáng với vai trò tiền phong để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Khi sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người cũng đã gây dựng được cơ sở tại Lào. Thông qua hoạt động của Hội ở Lào, người Việt Nam vừa có thể tham gia cuộc vận động cứu nước tại Lào, vừa sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng mối quan hệ đoàn kết khăng khít giữa hai nước.
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương – trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào- Campuchia). Trong những năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ở Việt Nam và Lào phát triển mạnh.
Mùa thu năm 1945, cả hai đất nước cùng giành được độc lập và mừng Quốc khánh trong những ngày thu lịch sử (Việt Nam ngày 2/9/1945, Lào 12/10/1945). Giữa lúc chính quyền cách mạng Việt Nam non trẻ phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm" đe dọa nền độc lập của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho mời và gặp vị Hoàng thân Xuphanuvông của quốc gia Lào để bàn về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của hai nước.
Bằng niềm tin, sự quan tâm và những hành động cụ thể, trong những năm sau đó, Hồ Chí Minh đã cùng Hoàng thân và các vị lãnh đạo của nhân dân Lào như Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon… hết lòng chăm chăm lo, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Cùng kiên cường, sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung, một nước Lào “cách mạng”, “láng giềng”, “thân thiết” - một trong ba chân kiềng của mối liên minh chiến lược đoàn kết Việt- Miên- Lào từ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh tụ của nhân dân các bộ tộc Lào đặc biệt quan tâm trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và xây dựng đất nước.
Mừng ngày thành lập Chính phủ Lào độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với Hoàng thân Xuphanuvông: “Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Chính phủ Pathét Lào, tôi trân trọng chúc Ngài và chúc nhân dân Lào đạt được nhiều thành công lớn lao trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Tôi xin thay mặt nhân dân Việt Nam tỏ tình đoàn kết với nhân dân Lào; tình đoàn kết thân ái đó sẽ mỗi ngày một tăng cường trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung và là điều kiện căn bản cho cuộc thắng lợi chắc chắn của chúng ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông tại chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu |
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Hoàng thân, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các vị lãnh tụ của cách mạng Lào đã nhiều lần sang Việt Nam gặp và làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, hết sức giúp đỡ nhau về mọi mặt để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và hai nước Việt Nam – Lào nói riêng đi đến thắng lợi hoàn toàn, công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Mặt trận liên minh đoàn kết Việt- Miên- Lào đã được xúc tiến.
Cùng hướng đến một mục tiêu xây dựng liên minh, đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung của hai nước, để cùng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Dương, Hoàng thân khẳng định nhiệm vụ cấp bách đoàn kết toàn thể nhân dân Lào và đoàn kết nhân dân Việt-Khme-Lào là hai điều kiện không thể thiếu để giành thắng lợi hoàn toàn chống thực dân và đồng minh của chúng là đế quốc Mỹ xâm lược.
Tháng 2/1951, nhằm giải quyết những yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Trong số các đại biểu quốc tế, đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm trưởng đoàn đã tham dự Đại hội.
Tại Đại hội, Nghị quyết “Về Báo cáo chính trị của đồng chí Hồ Chí Minh” được thông qua, trong đó, nêu rõ: Vì điều kiện mới của Đông Dương và thế giới, ở Việt Nam đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) có Chính cương, Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ở Cao Miên và Ai Lao, thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng lấy tên là Đảng Nhân dân Khơme và Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào). Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng chí và những tổ chức cách mạng Miên, Lào để lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai dân tộc ấy giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Nội dung của Nghị quyết thể hiện rõ: Tính tất yếu phải thành lập ở mỗi nước một chính đảng có tính chất nhân dân, gồm những người yêu nước tiến bộ nhất, hăng hái chiến đấu nhất trong hàng ngũ những người kháng chiến ở Lào, Miên để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở mỗi nước, phù hợp với tình hình của hai nước và tình hình trên thế giới. Việc tổ chức chính đảng của Lào và Miên do các đồng chí người Lào, Miên thực hiện với sự giúp đỡ của Đảng Lao động Việt Nam, mà trực tiếp là các đảng viên hoạt động ở Miên, Lào...
Từ khi mỗi nước có một Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng, trên tinh thần đoàn kết, quốc tế vô sản thủy chung, trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề ra những chủ trương và giải pháp cụ thể, chỉ đạo các cấp bộ Đảng hoạt động, khẳng định vai trò lãnh đạo của mình tại mỗi nước; đồng thời tăng cường mối quan hệ mật thiết, nương tựa lẫn nhau của ba dân tộc Việt Nam-Lào-Campuchia trên nguyên tắc bình đẳng và tự quyết, cùng đấu tranh giành tự do, độc lập và góp phần gìn giữ hòa bình trên thế giới.
Là kiến trúc sư vĩ đại của quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào và tình nghĩa giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng, đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị ấy luôn được xây dựng, vun đắp trong tiến trình lịch sử và ngày càng được củng cố, phát huy.
Nghĩa tình và son sắt, sự sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do của các dân tộc Đông Dương và cùng nhau xây dựng hòa bình, tương lai hạnh phúc được Người nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc anh em Miên, Lào thì sức mạnh đó đủ đánh tan thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ” và “với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sức đại đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thật sự”.
(Còn tiếp)
TS. Văn Thị Thanh Mai (Ban Tuyên giáo Trung ương)