Nhiều dự án dang dở chờ ngóng giá

Sau khi Biểu giá hỗ trợ (FIT) cho điện mặt trời, điện gió kết thúc vào năm 2020 và 2021, đến nay cơ chế giá mới cho các dự án vẫn chưa được ban hành. 

Điện gió thu hút nhiều nhà đầu tư thời gian qua. Ảnh: Hoàng Hà

Theo Bộ Công Thương, hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng biểu giá hỗ trợ (giá FIT).

Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW (trong tống số gần 150 dự án với tổng công suất trên 8.100MW), đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn vào 1/11/2021 nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, có 452MW đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện.

Đây sẽ là dự án cần phải đàm phán lại giá điện sau khi giá FIT đã hết hạn. Song, việc đàm phán giá sẽ phải đối diện không ít vấn đề khó khăn. Ứng xử thế nào với các dự án nằm cạnh nhau nhưng có giá khác nhau? Dự án vào vận hành thương mại trước có giá rẻ hơn dự án đưa vào vận hành thương mại sau? Việc không kiểm soát được thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện còn dẫn đến không kiểm soát được tiến độ vận hành thương mại điện gió, điện mặt trời theo nhu cầu tại từng thời điểm trong tương lai. Việc này sẽ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện của hệ thống.

Bộ Công Thương từng đề xuất giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai. Dù vậy, EVN cho hay có hàng loạt khó khăn khi đàm phán giá, và khuyến nghị áp dụng cơ chế cạnh tranh/đấu giá.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi Bộ Công Thương đề xuất khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời lỡ hẹn giá FIT kể trên. Theo đó, điện mặt trời mặt đất tối đa là 1.187,96 đồng/kWh, điện gió trên bờ là tối đa là 1.590,88 đồng/kWh. EVN khuyến nghị Bộ Công Thương tiếp tục sử dụng các chuyên gia độc lập hoặc hội đồng tư vấn theo quy định để nghiên cứu kỹ các tính toán và đề xuất của EVN trước khi quyết định phê duyệt làm cơ sở cho việc xác định giá điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá.

Mức giá EVN đề xuất giảm rất mạnh so với mức giá các dự án điện gió (2.000 đồng/kWh), điện mặt trời (1.680-2.200 đồng/kWh) được nhận khi vận hành từ 2019-2021.

Theo Bộ Công Thương, giá điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm sắp tới. 

Quy hoạch điện VIII dự kiến giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ mức khoảng 1.834 đồng/kWh giai đoạn trước 2025 xuống mức1.504 đồng/kWh trước 2030 và 1.256 đồng/kWh trước 2050. 

Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 2.393 đồng/kWh hiện nay xuống mức 1.990 đồng/kWh năm 2030 và 1.232 đồng/kWh trước 2050. 

Trong khi đó, giá điện mặt trời có thể giảm xuống mức 1.303 đồng/kWh năm 2030 và 805 đồng/kWh trước 2050. 

Một nhà đầu tư cho biết: Khi Thủ tướng quyết định cơ chế ưu đãi mua điện gió trên bờ với giá 8,5 cents/KWh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã huy động vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp phải vay ngân hàng trong nước với lãi suất cao. Nhưng dịch Covid-19 khiến nhiều ngân hàng trong nước ngừng không cho vay nữa. Các nhà đầu tư phải xoay xở vốn tự có và các nguồn tiền lãi suất cao khác để tiếp tục dự án. Nhiều chi phí cũng đội lên sau dịch (nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, phí phạt của các nhà thầu do phải ngừng chờ việc,…). 

Vì thế, các nhà đầu tư đề nghị khi đánh giá lại mức giá mua điện, cần tính toán để dự án không bị lỗ.

Giá thành điện gió trên thế giới có xu hướng giảm. Ảnh: Hoàng Hà

Tính sao với các dự án đã vận hành?

Khi đoàn công tác của Chính phủ tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu hôm 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao. Do đó, phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Vào tháng 8/2022, Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất việc rà soát xem xét lại hợp đồng giữa EVN và chủ đầu tư năng lượng tái tạo “nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán – bên mua – người tiêu dùng điện và Nhà nước” đối với các dự án đã vận hành thương mại.

Trước đề yêu cầu của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có văn bản gửi bộ, trong đó bày tỏ băn khoăn, rằng các hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký hiện nay là các hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành. Do vậy, việc  điều chỉnh nội dung của PPA cần được xem xét một cách cẩn thận, căn cứ vào các điều khoản của PPA đã ký và quy định của pháp luật.

Một nhà đầu tư từng tham gia nhiều năng lượng tái tạo chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rằng Nhà nước muốn các nhà đầu tư đàm phán trên tinh thần tự nguyện, chứ Nhà nước không ép buộc phải đàm phán lại giá. Nhà đầu tư có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Bởi đây là hợp đồng kinh tế, có rất nhiều điều khoản ràng buộc".

Vị này cho rằng, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lại rất nhiều thứ khi quyết định ngồi vào bàn đàm phán hay không, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. “Bởi vì các nhà đầu tư khi triển khai dự án đã căn cứ vào hợp đồng mua bán điện đó để vay tiền, tính toán suất đầu tư và ký kết với các nhà thầu. Chi phí đầu tư phụ thuộc vào thời điểm đầu tư. Đơn cử tại thời điểm đầu tư điện gió, giá thiết bị không hề rẻ do phải chạy cho kịp thời gian vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi”, nhà đầu tư này cho biết.

Trả lời PV.VietNamNet về câu chuyện đàm phán lại giá điện tái tạo, chuyên gia pháp chế Nguyễn Minh Đức đúc kết: Không có điều nào cấm đàm phán lại với nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi nào các nhà đầu tư đồng ý đàm phán thì việc này mới thực hiện được. Quá trình đàm phán phải đảm bảo công bằng, minh bạch, không dùng các sức ép khác với nhà đầu tư.

Như vậy, có thể thấy với dự án đã vận hành, việc đàm phán lại giá (nếu có) cần căn cứ trên tinh thần tự nguyện, cùng san sẻ lợi ích, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Vai trò của Bộ Công Thương sẽ là rất quan trọng khi đây là đơn vị tham mưu về giá trong suốt thời gian bùng nổ của điện mặt trời, điện gió vừa qua.

Đề xuất khung giá cho điện gió, điện mặt trời chuyển tiếpTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi Bộ Công Thương đề xuất khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, điện mặt trời mặt đất tối đa là 1.187,96 đồng/kWh, điện gió trên bờ là tối đa 1.590,88 đồng/kWh.
Giá hấp dẫn, 'điện sạch' bùng nổTừ khi Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích giá cho điện mặt trời, điện gió, Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ về đầu tư năng lượng tái tạo.