- Suốt mấy chục năm trời chị chưa có một ngày được nghỉ ngơi, chồng bị mắc bệnh tâm thần đã gần 20 năm nay, sinh được hai đứa con đều giống bố, trí tuệ chậm phát triển và không biết chữ. Phận chị khổ cực biết bao…

Tin bài cùng chuyên mục:

Đó là hoàn cảnh của gia đình chị Đỗ Thị Sắn (56 tuổi) ở xóm Mới, thôn Chợ Chàng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Theo sự chỉ đường của người dân chúng tôi đến thăm nhà chị Sắn vào một buổi sáng cuối tháng ba. Ngôi nhà của chị nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà cấp bốn mái ngói đã mọc rêu, bức tường bong tróc mới được trát lại.

Bắt ốc nuôi chồng thần kinh, nuôi con “đần độn”

Khi tôi đến nhà chị may mắn thay chị Sắn mới đi bán ốc về, “hôm nay trời nắng mới đỡ rét. Bắt ốc, suốt ngày phải ngâm mình xuống nước, rét lắm chú à! Chân tay tôi trắng bệch ra, sờ vào không còn cảm giác. Cũng may hôm nay trời cho bắt được nhiều ốc, nhưng mình được nhiều, người khác cũng được nhiều nên phải bán rẻ và cũng chẳng được là bao”.

Anh Quang bị tâm thần suốt ngày ngồi co ro khi lên cơn lại gào thét...


Khi tôi có vặn hỏi "hôm nay bán ốc được nhiều tiền không?" Khuôn mặt chị Sắn ái ngại trả lời: “Tôi bán được gần 40 nghìn đồng không đủ chi tiêu chú à, bây giờ mọi thứ đều đắt đỏ”.

Khó khăn vất vả quanh năm nên trông chị Sắn tiều tụy hẳn đi, rót cốc nước lọc mời tôi, đôi tay của chị Sắn to xù, các móng tay vẫn còn dính đất, dính rêu.

Ngồi nói chuyện với tôi, chị Sắn kể: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm thì chồng tôi – anh Nguyễn Văn Quang bị tâm thần. Cả hai vợ chồng đều không biết chữ, quanh năm chân lấm tay bùn, làm lụng vất vả, khi nào giọt mồ hôi ngừng lăn trên má là không biết lấy gì mà ăn. Nhà làm nông, từ khi anh Quang mắc bệnh khiến cho gia đình thêm khốn khó. Trong nhà không có nổi một đồng để chữa chị cho chồng. Mới đầu tôi cũng vay mượn anh em cho chồng đi viện nhưng chữa một thời gian không khỏi. Nợ nần chồng chất, anh em trong nhà không ai khá giả, đi vay hàng xóm nhiều rồi nên không ai dám cho vay nữa. Tôi đành bất lực đưa chồng về nhà điều trị”.

“Vợ chồng tôi sinh được hai đứa con gái, nhưng đều giống bố trí tuệ kém phát triển. Gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng làm cũng không đủ ăn, hai cháu không được ăn học đàng hoàng, khổ… nghĩ thương cháu không biết chữ sau này không biết xoay xở như nào để sống”, nói xong chị Sắn nghẹn nghẹn ở cổ họng.

Khi mặt trời đã đứng bóng, đứa con gái đầu của chị là Nguyễn Thị Tinh (SN 1989) cũng đã đi làm về. Chân đi đôi ủng bước từng bước nặng nề, dáng người cao ráo. Chị Sắn nói: “Từ bé cháu không được thông minh như bao đứa trẻ khác, giống bố cũng có vấn đề về thần kinh. Đi học do tiếp thu chậm, cộng với gia đình lúc bấy giờ cũng quá khó khăn nên Tinh không được đi học. Mấy năm trước cháu không biết làm việc gì, sai đâu làm đấy, nhiều khi nói trước quên sau”.

“Trong nhà nhiều khi không có cái gì để ăn, hàng xóm thương tình cho Tinh đi làm phụ hồ. Vốn không được nhanh nhạy, làm việc chậm chạp nên người ta trả bao nhiêu thì biết lấy bấy nhiêu, chứ không dám lấy thêm”, chị Sắn nói.

Đứa con gái thứ hai của chị là Nguyễn Thị Thắm (SN 1992) cũng giống người chị của mình là rất chậm, không biết làm việc nhà và không được đi học. Để cho mẹ bớt vất vả, Thắm đã nhận trông con cho người hàng xóm gần nhà để được ăn, mỗi tháng cầm 200 nghìn đồng đưa cho mẹ. “Lắm hôm thần kinh tái phát, bế con người ta đi chơi còn quên không bế về nhà, làm một phen đi tìm hú vía”, chị Sắn kể.
Chị sắn bên cô con gái trí tuệ kém phát triển

Một mình chị Sắn đi bắt ốc để nuôi chồng bị thần kinh và hai đứa con trí tuệ chậm phát triển, gia đình vô cùng khốn khó. Giờ đây chị lại phải nuôi thêm em chồng – anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1968) cũng bị thần kinh, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, lúc nào bệnh tái phát lại đi lang thang.

Ước có tiền mua thuốc cho chồng…

Bước vào trong nhà mọi thứ đều giản đơn, ngoài mấy vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt thì không còn gì nữa cả. Bên phải là chiếc giường của hai mẹ con chị Sắn, mải “mưu sinh” trước khi đi làm vẫn chưa kịp gấp chiếc màn, một đống quần áo cũ được vắt ngay cạnh đầu giường. Bên kia kê một chiếc giường đã ọp ẹp và một chiếc phản để cho hai anh em bị thần kinh nằm.

Ngôi nhà ẩm thấp, lâu không được dọn dẹp, mùi ẩm mốc bốc lên. Chiếc giường nơi anh Quang đang ngồi, có mùi khai nồng, bên dưới được trải bằng hai chiếc đệm đã sờn rách. Nhìn anh ngồi vật vờ trên giường, khuôn mặt đầy vết nhăn, lúc thì đếm ngón chân, lúc thì co rúm lại một góc giường nghĩ cũng tội.

Khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện thi thoảng anh Quang lại nói vu vơ mấy câu không rõ tiếng: “Ăn suốt thế mà không cho ăn… thế mà khó… nhìn mặt như con chó…”, khi thấy tôi nhìn sang anh co ro người lại, có vẻ run sợ lép vào cạnh tường và không nói nữa. “Đấy lại bắt đầu lên cơn đấy, suốt ngày như thế, suốt đêm như thế, có hôm vừa gào, vừa chửi hết cỡ mới thôi”, chị Sắn nói thêm.

“Nằm đối diện bên kia là em ruột của anh Quang, hôm nay anh Hùng bệnh lại tái phát đi lang thang từ sáng. Đêm đến cả hai anh em đều lên cơn, thi nhau hét, lắm lúc còn vật nhau tôi không thể can ngăn được”.

Gánh nặng về miếng cơm manh áo khiến cho chị Sắn phải bươn chải, làm đủ các nghề để kiếm sống, bất kể nắng mưa cứ ai thuê là đi làm, chắt chiu từng đồng để nuôi 4 miệng ăn trong gia đình thế nên đói quanh năm. Giờ đây, hai đứa con cũng đi làm được nên tôi cũng đỡ vất vả phần nào. “Nhà có hơn 4 sào ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thế nhưng chưa đến vụ gặt đã thiếu ăn. Lắm hôm đi vay từng bát gạo về ăn, nhiều khi không có nổi một đồng, khổ sở lắm”, chị Sắn nói trong nghẹn ngào.

Ở cái tuổi gần lục tuần sức khỏe chị đã yếu dần, thi thoảng bệnh tật lại hành hạ, không còn đủ sức… Thế nhưng hằng ngày chị Sắn vẫn phải đi bắt ốc để trang trải cuộc sống. Gia đình quá khốn khó, chồng bị tâm thần chỉ ngồi co ro ở góc giường, hai đứa con giống bố trí tuệ kém phát triển không thể tự lo cho mình, mọi gánh nặng trong gia đình đổ dồn lên vai người mẹ quanh năm vật lộn với nghề bắt ốc mưu sinh.

“Đến cái ăn cũng còn thiếu, trong nhà không có nổi một đồng để mua thuốc cho chồng. Nghĩ cũng tủi, tôi chỉ biết ngậm đắng nuốt cay gắng hết sức làm được đồng nào hay đồng đấy. Tôi chỉ mong sao chồng tôi khỏi bệnh, làm cùng tôi để nuôi các con cho đỡ khổ”.

Gia cảnh của chị Sắn túng thiếu quanh năm, không có tiền để mua thuốc cho chồng bị thần kinh đã gần 20 năm nay. Để gia đình chị Sắn có thể vượt qua khó khăn này rất cần các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giang tay cứu giúp.
Mọi sự ủng xin gửi về:
1. Gửi trực tiếp chị Đỗ Thị Sắn (xóm mới, thôn Chợ Chàng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội)
2. Hoặc qua báo VietNamNet ( Ghi rõ ủng hộ chị Đỗ Thị Sắn)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX
 3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận             Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn

  • Đình Hường