Thế giới ngày càng thấy rõ hơn chính sách cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc mới.

>> Thăm Hải Nam, lãnh đạo TQ bắn 'tín hiệu' với Biển Đông
>> 'Kiểu lấn chiếm biển của TQ đe dọa khu vực'

Bằng mọi tính toán, ông Tập Cận Bình đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập phản ứng của Trung Quốc với các tranh chấp hàng hải. Về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật, ông đã lập nhóm an ninh hàng hải vào giữa năm 2012, sau đó là "Văn phòng phản ứng khủng hoảng Điếu Ngư" vào tháng 9 do chính ông phụ trách.  

Sau khi trở thành tổng bí thư Trung Quốc, tuyên bố của ông Tập đã chính thức hóa chiến thuật phản ứng quả quyết gây hấn khi nhấn mạnh tầm quan trọng của "phát triển hòa bình" nhưng cũng khẳng định không dung thứ với ai làm tổn hại đến "chủ quyền, an ninh và phát triển các lợi ích" của Trung Quốc. Các lợi ích ấy dĩ nhiên không thể thiếu vắng lợi ích hàng hải. 

{keywords}
Ông Tập Cận Bình thăm quân cảng ở Hải Nam, tỉnh cực nam Trung Quốc. Ảnh: THX

Khi lần lượt nắm giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất đất nước, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp nhắc đến cụm từ “giấc mơ Trung Hoa” như là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm tạo dựng một Trung Quốc lớn mạnh dẫn đầu thế giới, kể cả về quân sự. Chưa biết do tình cờ hay hữu ý, cụm từ được ông Tập yêu thích lại trùng lặp với tên cuốn sách của quan chức quân đội Trung Quốc (PLA). Ba năm trước, người này đã viết cuốn “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó chủ yếu nói về những mục tiêu mới của Trung Quốc vượt qua sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ.  

Trong các tháng đầu tiên lên nắm quyền, ông Tập liên tiếp thực hiện các chuyến thăm cấp cao tại các lực lượng quân đội, không quân, các chương trình không gian và các cơ sở tên lửa, điều mà cả hai người tiền nhiệm trước đây, cả ông Giang Trạch Dân lẫn ông Hồ Cẩm Đào đã không làm.  

Mục tiêu cường quốc hàng hải 

Trước hàng nghìn đại biểu quốc hội ngày 17/3, ông Tập Cận Bình kêu gọi “nỗ lực hết sức để tiếp tục thực hiện sự phục hưng của dân tộc và giấc mơ Trung Hoa” đồng thời nêu rõ, PLA là quân đội thường trực lớn nhất thế giới và thúc giục các lực lượng vũ trang tăng cường khả năng “để chiến thắng trong các cuộc chiến cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia".  

Không ngẫu nhiên mà gần như đi đôi với việc có đội ngũ lãnh đạo mới thì Trung Quốc cũng chẳng cần vòng vo che đậy (dùng tàu dân sự) trong nỗ lực khẳng định chủ quyền hàng hải. PLA đã công khai, thậm chí thách thức, khi tung ra lá bài quân sự (dùng tàu hải quân) ở các vùng biển tranh chấp.  

Nửa đầu tháng 12/2012, một máy bay Trung Quốc lần đầu tiên đã đi vào khu vực mà Nhật coi là không phận của họ ở quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông. Leo thang hơn, tàu chiến Trung Quốc đã ít nhất một lần hướng rađa điều khiển hỏa lực vào một tàu hải quân Nhật Bản, dẫn đến tình trạng đối đầu hết sức nguy hiểm.  

Ba tháng đầu năm, nước này đã liên tục tiến hành hàng chục cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông, thậm chí với sự tham gia của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Ngày 30/1, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận với quy mô lớn trên vùng biển rộng lớn từ Hoàng Hải, qua biển Hoa Đông và Biển Đông đến tận Tây Thái Bình Dương. Ngày 26/3, một đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn đổ bộ đến bãi đá James - cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.  

Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Đông Bắc Á của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế nói rằng, các động thái của hải quân Trung Quốc gần đây là biểu hiện của chiến lược "chuyển từ cường quốc đất liền sang cường quốc hàng hải".  

“Cường quốc hàng hải” cũng là mục tiêu mà Đại hội đảng 18 Trung Quốc đề ra. Đội ngũ lãnh đạo mới tại Bắc Kinh đang thể hiện rõ sự quyết đoán trong việc triển khai mục tiêu ấy với những hành động cứng rắn, thậm chí là táo tợn ở Biển Đông, Hoa Đông. 

Và, họ đã có thể thành công trong nỗ lực răn đe láng giềng nhưng lại thất bại ở một mặt trận khác. Từ lâu lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục thế giới quên đi cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”. Nhưng nếu họ tiếp tục đi vào con đường hiện tại, thì chắc chắn các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung sẽ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc chính xác là một mối đe dọa

Thái An