Đại tá Đinh Quốc Kỳ - nguyên Sĩ quan liên lạc, đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đánh giá, Hiệp định Paris được ký kết 27/1/1973 là một thắng lợi, tiền đề để đất nước ta thống nhất, buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

“Đã là thắng lợi của ta thì đối với phía bên kia là thất bại, mà thất bại thì sẽ tìm cách chống phá”, Đại tá Kỳ cho biết.

Âm mưu phá hoại của địch

Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM). Đây là nơi hai đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đóng quân.

Hai đoàn đại biểu của ta gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ ưu tú của quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền Nam, thông tấn, báo chí và một số ban, ngành cùng tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao quân sự thi hành Hiệp định Paris.

Dãy nhà trong trại Davis. Ảnh tư liệu: Ban Liên lạc cựu chiến binh Trại Davis

Tại Trại Davis nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn cho rào kín nhiều tầng dây thép gai, vọng gác để khống chế sự đi lại, tiếp xúc của lực lượng cách mang với quần chúng nhân dân trong vòng kiểm soát; không chế mọi sinh hoạt, ăn ở, đi lại của các thành viên trong đoàn. Xung quanh trại, đối phương dựng 13 tháp canh lúc nào cũng thấp thoáng bóng lính, suốt ngày đêm chĩa súng vào trại.

Ông Kỳ cho biết, tận dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, địch còn cài đặt các công cụ nghe trộm, quan sát từ xa trong các đồ vật, quà tặng đặc biệt là tại các phòng của lãnh đạo hai đoàn tại Trại Davis; phá sóng vô tuyến điện hòng ngăn chặn liên lạc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài của hai đoàn ta.

Đối phương cũng sử dụng các nhân viên lái xe, sửa chữa điện nước, cung cấp lương thực, thực phẩm là người của các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ, Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, Tổng nha cảnh sát, Phòng 2 Bộ Tổng tham mưu và Cục An ninh quân đội của chính quyền Sài Gòn.

Đại tá Đinh Quốc Kỳ kể: “Chúng tìm mọi cách để phá hoại hai đoàn ta và chú trọng nhất là đến con người. Tính toán được những kế hoạch này, phía ta cũng có chuẩn bị kỹ lưỡng khi thành viên của cả 2 đoàn đều được lựa chọn là những người ưu tú, đã vượt qua thử thách trong chiến đấu, đối mặt với kẻ thù, có nhiều đồng chí là dũng sĩ diệt Mỹ, diệt máy bay, diệt cơ giới…”.

Phía địch đã trực tiếp lôi kéo, dụ dỗ từng người của ta khi tiếp xúc tại nơi làm việc. Họ rất ranh mãnh khi cho rằng các cán bộ, chiến sĩ ta tham gia cách mạng đã nhiều năm xa gia đình, quê hương, sống thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, bom đạn ác liệt…sẽ bị đời sống đủ đầy, ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng của đô thị Sài Gòn lôi kéo quật ngã.

Chưa hết, chúng còn tìm hiểu nhân thân của các lãnh đạo hai đoàn ta, dùng thủ đoạn lôi kéo người thân của họ... Ông Kỳ cho biết, tay chân của địch về gặp mẹ của một đồng chí ở đoàn B, dụ dỗ bà lên Sài Gòn gặp con trai. Nhưng bà cụ đã thẳng thừng từ chối, nói rõ con bà đi theo cách mạng là để “đánh xâm lược”, “giải phóng quê hương" và vạch rõ âm mưu của chúng là “mượn tay” bà để lôi kéo con rồi bỏ hàng ngũ cách mạng.

Cũng có một số đối tượng là bạn học cũ, đồng hương của các cán bộ, chiến sĩ tìm cách nài nỉ, mời họ về nhà riêng rồi kể chuyện bạn bè, khoe khoang cuộc sống sang giàu nhà cao cửa rộng, hẹn đưa xe đến đón, hứa chuyển thư, quà cáp giúp đến tay người nhận...

Đại diện đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong một buổi giám sát thực hiện Hiệp định Paris. Ảnh: TTXVN

Chúng cũng tìm hiểu các đối tượng có người thân làm việc trong phái đoàn ta, cho vào làm việc tại trụ sở của ta ở Trại Davis để tiếp cận người nhà.

Đại tá Kỳ cho biết, phía ta khi đó đã chủ động cho họ gặp nhau và đã giải thích chính sách của cách mạng để họ hiểu, khuyên bảo họ không nên đứng về phía ngoại xâm, có điều kiện nên giúp đỡ cách mạng.

Công tác bảo vệ an ninh

“Trước những thủ đoạn phá hoại hết sức tinh vi, xảo quyệt nói trên, chúng ta đã chủ động và kịp thời có ngay những biện pháp phòng chống hiệu quả”, ông Kỳ khẳng định.

Hai đoàn quân sự phía ta bóc gỡ triệt để các phương tiện nghe lén đã được bố trí sẵn tại phòng ở, làm việc của lãnh đạo cũng như tại phòng họp và lập ra nơi an toàn để họp bàn. Ta cũng đưa ra những quy định trong phát ngôn, giao tiếp, trò chuyện tại phương nghe trộm tại những vị trí an toàn, không để đối phương nghe trộm được những nội dung cần bảo mật.

Công văn tài liệu của đoàn được bảo mật hết sức chặt chẽ.

Đối phó với việc phá sóng vô tuyến, ta kịp thời cho chuyên gia giàu kinh nghiệm vào trụ sở để nỗ lực giữ vững thông tin liên thường xuyên và thông suốt, đảm bảo tuyệt đối an toàn bí mật. Ta cũng liên tục thay đổi quy ước liên lạc, đổi sóng đại cấp trên, tăng công suất máy, số lần phát khi theo quy ước...

Đề phòng khả năng chống đột nhập bắt cóc ngay trong doanh trại, cơ quan an ninh cũng xây dựng những căn hầm bí mật tại phòng nghỉ của các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài liệu khi có tình huống bất ngờ, xấu nhất.

Một buổi họp báo tại Trại Davis. Ảnh tư liệu

9h30, ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước, chỗ cao nhất của Trại Davis. Sau 823 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù, lực lượng Liên hợp quân sự đã đấu tranh cách mạng, thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa.

Công tác bảo vệ an ninh cho hai đoàn đại biểu là một nhánh của cuộc đấu tranh với kẻ thù vô cùng thâm độc, xảo quyệt ngay giữa sào huyệt của chúng. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, tuyệt đối không để đối phương đánh vào hàng ngũ, lợi dụng xâm nhập nội bộ hay lấy cắp thông tin. 

Bài viết có tham khảo từ đặc san 50 năm Hiệp định Paris những bài học quý giá của Bộ Ngoại giao