Một cuộc gặp song phương giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang được chờ đợi trong bối cảnh việc thụ lý vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc đang làm phức tạp thêm quan hệ giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ.

Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với PGS. Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle (Philippines) đồng thời là Cố vấn chính sách của Hạ viện Philippines, và cây bút trên Huffington Post, The National Interest, Aljazeera…

Ứng phó với ma trận thông tin của Trung Quốc
Trung Quốc bày ma trận lôi kéo học giả quốc tế
Từ "mối đe dọa Trung Quốc" tới "thách thức Trung Quốc"

Trong bối cảnh Trung quốc có quan điểm cứng rắn rằng các tranh chấp trên biển Đông không nên được đề cập tại Hội nghị cấp cao APEC và ASEAN lần này. Vậy chúng ta có thể kỳ vọng điều gì tại APEC liên quan đến vấn đề Biển Đông?

PGS. Richard Javad Heydarian: Tại các Hội nghị Cấp cao APEC và ASEAN, các lãnh đạo Philippines, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải cân bằng giữa việc khẳng định quan điểm của mình trong vấn đề Biển Đông và việc tìm những ý tưởng sáng tạo để tránh căng thẳng leo thang ngoài ý muốn và thống nhất một cơ chế bền vững để quản lý hiệu quả (nếu không giải quyết được) các tranh chấp, và tập trung vào các lĩnh vực lợi ích chung.

May mắn là bất chấp căng thẳng leo thang sau chiến dịch “tự do hàng hải” (FON) của Mỹ hồi tháng trước, cả Washington và Bắc Kinh vẫn duy trì các kênh liên lạc mật thiết nhằm tránh những va chạm không đáng có, với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị một cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận riêng về cách quản lý các tranh chấp tại Biển Đông. Chính vì vậy, hai cường quốc này sẽ tiếp tục phối hợp với nhau trong khi Mỹ tiếp tục chiến dịch của mình tại vùng biển tranh chấp này trong thời gian tới.

{keywords}
Ảnh minh họa: Reuters.

Một cuộc gặp song phương giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng được chờ đợi. Liệu đây có phải là một bước thay đổi để cải thiện quan hệ song phương? Ông nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trong năm 2016?

PGS. Richard Javad Heydarian: Trong khi chờ đợi, Trung Quốc phải đương đầu với một “đòn” pháp lý từ Philippines. Quyết định của tòa án về việc thụ lý vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc đang làm phức tạp thêm quan hệ giữa hai nước này.

Trong chuyến thăm ngắn (lần đầu tiên) tới Manila để chuẩn bị cho chuyến thăm và dự APEC của ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích vụ kiện của Philippines lên tòa án trọng tài quốc tế “gây khó khăn cho sự cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc – Philippines”. Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Aquino có tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương đầu tiên từ trước tới nay với ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Cấp cao APEC hay không.

Hiện, khi đã (phần nào) vượt qua hàng rào pháp lý, Philippines đã mở đường cho một loạt “cú giáng” pháp lý khác, đặt Trung Quốc vào những vụ kiện tương tự do các quốc gia có tranh chấp khác đưa ra, trong đó có Việt Nam, nước từ năm ngoái đã từng công khai cảnh báo sẽ có thể làm việc này.

Cả Indonesia cũng sẽ cân nhắc tiến hành một hành động pháp lý chống Trung Quốc. Và kế hoạch của Philippines ký một thỏa thuận đối tác chiến lược (với trọng tâm là hợp tác an ninh hàng hải) với Việt Nam cũng chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nóng mặt.

Thỏa thuận đã được lên kế hoạch này sẽ được ký kết bên lề hội nghị APEC. Đây là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của hai quốc gia Đông Nam Á này trong việc củng cố mối quan hệ  đang nổi của mình trước sự hống hách thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chuyến thăm mới đây của ông Tập Cận Bình tới Đông Nam Á (Việt Nam và Singapore) đã cho thấy ngay cả khi Bắc Kinh luôn tìm cách nhắc nhở các nước láng giềng của mình về sự cần thiết phải giữ quan hệ tốt với Trung Quốc – hoặc trong một số trường hợp, nhắc nhở về những lợi ích kinh tế có thể có nhờ sự hào phóng của nước này – thì những nước như Việt Nam và Singapore vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các cách tiếp cận chiến lược của mình. Họ thừa nhận rằng về lâu dài, việc Mỹ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo tại Châu Á – Thái Bình Dương sẽ vẫn là kịch bản tốt nhất đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tòa án Tối cao Philippines cũng ra phán quyết khẳng định tính hợp hiến của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường Mỹ - Philippines, hai ngày trước khi ông Obama đặt chân đến Manila dự APEC. Ông bình luận gì về việc này và về quan hệ Trung – Mỹ trong năm 2016?

PGS. Richard Javad Heydarian: Philippines là một người chơi chiến lược không thay đổi và đã mở rộng chính sách đối ngoại của mình, tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hống hách.

Các đồng minh như Philippines đã nồng nhiệt chào đón quyết định mới đây của Mỹ (đưa tàu chiến đến vùng nước quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái pháp luật).

Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario nhấn mạnh cần chống lại “kết luận sai trái của Trung Quốc rằng các yêu sách của họ được coi là sự đã rồi”. Philippines vẫn nổi tiếng là đối tác mạnh nhất và thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, một xu hướng được cho là sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Việc Tòa án Tối cao Philippines cũng ra phán quyết khẳng định tính hợp hiến của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường Mỹ - Philippines chỉ hai ngày trước chuyến thăm Manila của ông Obama để dự APEC đã tạo cơ hội cho Tổng thống Aquino và người đồng cấp Mỹ có thể chúc mừng nhau, bất chấp sự không hài lòng của Trung Quốc.

Nếu Tòa án Tối cao bác thỏa thuận này và đề nghị Thượng viện phê chuẩn, hai đồng minh này sẽ phải khẩn cấp sử dụng các cơ chế thay thế để duy trì hợp tác an ninh hàng hải của mình.

Các hội nghị sắp tới có thể vẫn tạo một “chỗ để thở” quan trọng– một nền tảng thích hợp để đi đến những cam kết cần thiết giữa các bên liên quan, trong đó có Mỹ, nước đang can dự vào các tranh chấp tại Biển Đông hơn bao giờ hết.

Là Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC, và với một cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Aquino có thể diễn ra, Manila đứng trước một cơ hội hiếm có, vào phút chót, để thiết lập các biện pháp xây dựng niềm tin rất cần thiết với Bắc Kinh nhằm quản lý các tranh chấp biển đã đi tới chỗ kiện tụng. Chính sách ngoại giao chủ động đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuần Việt Nam (thực hiện)