Tìm hiểu Người Hà Nội, văn hóa Hà Nội không đơn thuần là một lát cắt giải phẫu những hiện tượng xấu, đẹp của thời đại mà còn là ký ức, là linh thiêng hào hoa ngàn năm văn hiến. Việc văn hóa Hà Nội mai một, xuống cấp trách nhiệm không chỉ thuộc về một người, một thế hệ mà còn hơn thế…


Nơi tôi sinh Hà Nội

Sinh ra tại Hà Nội đúng vào những năm – tám – mươi đói khổ thời bao cấp, dư âm vang trong tiềm thức tôi là tiếng tàu điện leng keng Ngã Tư Sở, là vòi nước tập thể chảy tậm tịt mỏi chân đứng xếp hàng lấy nước về vo gạo… Nơi tôi sống nửa phố nửa làng, xa xa là cánh đồng làng Mễ Trì, những ao chuôm thùng vũng làng Hạ Đình bao quanh, xây đắp nên tuổi thơ tôi nhiều mộng mơ…

Nhưng tôi đã là người Hà Nội chưa? Chắc chưa, tôi chỉ rón rén giới thiệu mình là sinh ra tại Hà Nội và gốc tại Phù Cừ, Hưng Yên. Và con tôi đã là người Hà Nội chưa nhỉ?

Ảnh: Internet

Văn hóa Hà Nội là gì?

Văn hoá là gì? Theo cụ Đào Duy Anh thì Văn hoá tức là sinh hoạt (1). Thời Pháp thuộc, có cô đầu con hát, có Thơ mới, có Tự lực Văn đoàn, có Duy Tân, có Đông Kinh Nghĩa Thục, có những Vĩnh - Quỳnh - Tốn - Tố, những Anh – Hãn – Huy – Mai (2). Những bậc thời danh ấy là do đâu mà có? Phải chăng họ đã hấp thụ được tinh hoa văn hóa Pháp – Việt, phổ lên những trang viết tao nhã, khúc chiết về văn hóa, về lịch sử, thấm đẫm trong đó là cách sống, cách cư xử của người với người, với cây cỏ, dòng sông, con đường, phố phường Hà Nội.

Người Hà Nội nho nhã là vậy, minh triết làm vậy, theo những bể dâu thời cuộc, tứ tán đi khắp nơi. Và nước chảy chỗ trũng, người đi kẻ ở… như dòng chảy của thời gian thao thức, miên man phía sông Hồng chảy ra bể Đông.

Hà Nội, văn hóa Hà Nội xấu đi ư? Văn hóa tức là sinh hoạt như trên đã dẫn lời cụ Đào Duy Anh. Người – đang – cư – trú – tại – Hà – Nội sinh hoạt như vậy thì văn hóa Hà Nội ra làm vậy thôi. Bứt lá bẻ cành tại hội hoa, chen trường đạp cổng… làm nên một văn – hóa – Hà – Nội – thời – hiện - đại.

Tôi không biện minh cho một thứ văn hóa xôi thịt, tôi không lý giải cho một thứ văn hóa tạp nham đang thịnh hành. Tôi cũng đồng cảm với những xót xa, đau đáu của ông Phan Cẩm Thượng về người Hà Nội, tính cách Hà Nội (3) đang xấu đi với thời gian. Giời đày kẻ-có-chữ là thương, là nhớ là khóc người xưa chăng? Phận của kẻ sĩ là bộ nhớ đớn đau của thời đại chăng?

Nhưng tôi cũng không đồng tình quan điểm vì quy kết cho rằng Hà Nội nhếch nhác vì dân nhập cư (4), có những dân nhập cư nhếch nhác, nhưng cũng có những tên tuổi làm rạng danh Hà Nội cũng là những người - nhà - quê - ấy. Những xáo trộn thời cuộc, dòng đời xô đẩy đưa họ đến với Hà Nội, Hà Nội bao dung ôm họ vào lòng, che chở họ khỏi những bão tố phong ba của lịch sử. Ở đâu chả vậy, có người xấu kẻ tốt, nước thì chảy chỗ trũng thôi!

Những bước chân bộ hành thao thức gánh rau ra chợ Đồng Xuân bán của ông nội tôi, những bước chân chiến binh từ đồng bằng, cao nguyên thế hệ cha tôi về bảo vệ Hà Thành tháng năm chiến tranh…chẳng lẽ lại làm Hà Nội nhếch nhác thêm sao? Trụ được tại đất Thăng Long hào hoa mà khắc nghiệt này, thế hệ bạn bè tôi, con nông dân đỗ đại học cũng cần tới cả ý chí hun đúc, họ cũng phải là tinh hoa (về cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của dòng tộc, làng mạc đấy chứ!

Cổ vũ cho sự phân loại nhập cư, ngụ cư là cổ vũ cho một sự không bền vững, một sự so sánh, một cách nhìn thiên lệch. Trong đời sống, ít nhất cũng cần có một tấm lòng (5)…

Tôi cũng buồn lắm chứ, đớn đau lắm chứ. Nhác qua xứ Yangoon (Myamar), chỉ thấy họ hàng một đi ô tô chậm rãi ôn tồn mà tôi đã thấy thèm thuồng văn hóa giao thông xứ họ. Hà Nội ư, mạnh ai nấy đi, xe to ép xe bé, bóp còi inh ỏi, không ai biết nhường ai, tắc đường kinh niên cũng đúng thôi…

Người Hà Nội là ai?

Bài hát của cố nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Thi xôn xao như một niềm sóng sông Hồng, tíu tít gánh gồng chợ Đồng Xuân thuở nào xa ngái…

Nên định nghĩa người Hà Nội như thế nào đây, người Hà Nội là những người gốc gác tại Hà Nội trước năm 1954 chăng? Hay người Hà Nội là người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sáu tháng trước thời điểm kê cứu?

Sinh ra trên đất Mỹ là người Mỹ, có quốc tịch Mỹ. Muốn nhập quốc tịch Mỹ, về thể thức long trọng là tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, những giá trị tinh thần tinh hoa của nhân loại, giữ gìn gốc gác của mình (6). Tôi mạn phép nêu định nghĩa người Hà Nội của tôi: Người Hà Nội là người sinh ra tại Hà Nội, yêu thương thiết tha mảnh đất Rồng Bay này để từ đó tạo dựng nên một văn hóa Hà Nội đẹp, bền vững với thời gian.

Tiểu kết

Ý thì nhiều, lời muốn tỏ bày cũng lắm nhưng năng lực diễn ngôn thì có hạn. Xin góp một góc nhìn nhỏ bé của một người Việt, sinh ra, lớn lên và nhất mực yêu thương Hà Nội. Từ con sông, cây cầu, phố cổ rêu phong…tới những trang sách thấm đẫm tình người Hà Nội, để gìn giữ mãi với thời gian…

Độc giả Hàn Sĩ Huy

Chú thích:

(1). Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương. Bốn Phương xuất bản. Sài Gòn, 1961, trang 15.
(2). Những danh nhân văn hóa thời danh mà dân gian quen thói ghép thành bộ tứ: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố; Đào Duy Anh - Hoàng Xuân Hãn - Cao Xuân Huy - Đặng Thai Mai.
(3). http://thethaovanhoa.vn/133N20120729060721358T0/tinh-cach-ha-noi-.htm
(4) http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/82700/ha-noi-nhech-nhac-vi-dan-nhap-cu-.html
(5) Ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
(6) Xem thêm Hữu Ngọc, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2001. Nhà văn hóa Hữu Ngọc có nhắc tới trường hợp một người Nga nhập tịch Mỹ rất thú vị.