Ngày 2/10, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nước này sẽ hỗ trợ các công ty trong chuỗi cung ứng xe thông minh, với mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn chung cho xe tự hành hoàn toàn hoặc một phần vào năm 2025.
Chính phủ nước này định vị các phương tiện kết nối thông minh (ICV) trở thành trọng tâm chiến lược dài hạn trong cuộc đua dẫn đầu thế giới tại ngành công nghiệp còn non trẻ này.
Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ thành lập các "tập đoàn đổi mới", khuyến khích các doanh nghiệp nội địa trao đổi kinh nghiệm, học hỏi điểm mạnh của nhau để tạo ra đột phá về công nghệ.
Xe tự lái tại Trung Quốc được phân thành 5 cấp độ, với mức 1 là thấp nhất. Tính đến hết nửa đầu năm 2023, dữ liệu chính thức của Bắc Kinh cho thấy, chỉ hơn 42% phương tiện chở khách của nước này đạt cấp độ 2.
Các phương tiện thuộc mức độ 2 có thể thực hiện một số chức năng lái xe, nhưng người lái phải luôn sẵn sàng xử lý khi điều kiện đường xá thay đổi.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy mạnh công nghệ tự động hóa cấp độ 3, đồng nghĩa phương tiện có thể tự hành trong một số điều kiện nhất định. Trong phân khúc này, Apollo Go của Baidu đang dẫn đầu khi vừa giành được giấy phép trong tháng 6 để vận hành thương mại dịch vụ gọi xe tự hành tại các khu vực của thành phố Thẩm Quyến.
Đây cũng là thành phố thứ tư của đại lục có dịch vụ xe tự hành, trước đó là trung tâm thành phố Vũ Hán, Tây Nam Trùng Khánh và thủ đô Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Baidu hay các nhà phát triển xe tự hàng tại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại về địa chính trị khi Mỹ vừa phát đi cảnh báo tiếp tục siết chặt xuất khẩu công nghệ sang quốc gia châu Á này, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt từ phía hãng xe Mỹ Tesla.
Thời điểm gia tăng cấm vận công nghệ
Reuters dẫn nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã phát đi tín hiệu về kế hoạch cập nhật các quy tắc hạn chế xuất khẩu chip AI và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc ngay trong tháng này.
Bộ Thương mại, cơ quan giám sát việc kiểm soát xuất khẩu, đang dự thảo bản cập nhật chính sách hạn chế áp đặt với Bắc Kinh được ban hành vào năm ngoái. Theo đó, danh sách hạn chế sẽ được mở rộng thêm các loại công cụ đúc chip của Hà Lan và Nhật Bản, đồng thời khắc phục một số lỗ hổng trong thực tiễn kiểm soát các mặt hàng như chip AI.
Giới phân tích nhận định, việc thông báo trước cho Bắc Kinh về các quy tắc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm ổn định quan hệ giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến tổ chức tại San Francisco vào tháng 11 tới. Do đó, các chính sách kiểm soát xuất khẩu mới có thể sẽ chỉ được ban hành sau khi sự kiện này diễn ra.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình không gặp mặt trực tiếp kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Indonesia) tháng 11 năm ngoái, sau khi lãnh đạo cao nhất Trung Quốc từ chối tham dự G20 tổ chức ở Ấn Độ vào tháng trước.
(Theo Reuters)