Sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 15/6, được truyền thông Trung Quốc mô tả như một thử nghiệm, tập trung vào việc mở rộng “các hoạt động quân sự không phải chiến tranh”. Theo báo Sydney Morning Herald, Mỹ đã thực hiện một chương trình tương tự kể từ năm 1993. 

Các binh sĩ Trung Quốc diễn tập diễu binh nhân ngày thành lập quân đội tại căn cứ huấn luyện Zhurihe ở vùng Nội Mông. Ảnh: Reuters 

Tân Hoa xã đưa tin, sắc lệnh mới gồm 6 chương sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để quân đội Trung Quốc mở rộng các hoạt động thời bình, nhằm "bảo vệ tài sản và duy trì chủ quyền quốc gia, an ninh, lợi ích phát triển và ổn định khu vực”.

Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã đề xuất tăng cường các hoạt động thời bình của quân đội nước này kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.

“Đánh bại quân đội của kẻ thù mà không phải chiến đấu là trạng thái tối cao của xung đột quân sự. Trong một số trường hợp, các hoạt động này nằm dưới sự thống trị của quân đội, với sự hợp tác của các chính quyền địa phương. Trong những trường hợp khác, chính quyền địa phương sẽ chiếm ưu thế với sự phối hợp của quân đội. Các hoạt động quân sự phi chiến tranh được thực hiện ở nước ngoài, có sự tham gia của quân đội nước ngoài, cũng đòi hỏi phải thiết lập những mối quan hệ phối hợp và cộng tác với các cơ quan dân sự và quân sự của những quốc gia này và với các tổ chức quốc tế", trích đề xuất của Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc. 

Học viện giải thích thêm, “các hoạt động quân sự không phải chiến tranh” có thể bao gồm những sứ mệnh chống chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ các quyền và lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài, cứu trợ thiên tai, cảnh báo an ninh, gìn giữ hòa bình quốc tế và cứu hộ, cứu nạn.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu phần trong những đề xuất trên được đưa vào sắc lệnh mới của ông Tập. Nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa công bố nội dung cụ thể của sắc lệnh.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, nơi gần đây họ đã giành được quyền bảo vệ các khoản đầu tư ở quần đảo Solomon thông qua một thỏa thuận an ninh với Honiara. Nó cũng diễn ra khi cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng, mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Australia - Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu...

Theo báo Sydney Morning Herald, trước tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương cũng như các vụ chạm trán gần đây giữa máy bay quân sự Australia và Trung Quốc ở Biển Đông, các quan chức ở Canberra tỏ ra cảnh giác với các động thái của Bắc Kinh, bất chấp cuộc gặp cuối tuần trước giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này Richard Marles với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

"Luôn là điều tốt khi mọi người đối thoại và bàn luận. Đó là điều đã bị bỏ lỡ trong vài năm qua. Trung Quốc cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã triển khai. Không có lí do gì để duy trì chúng", ông Albanese nói với các phóng viên ở Brisbane. Tân thủ tướng Australia cũng tiết lộ đã phúc đáp điện mừng thắng cử từ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cách đây 3 tuần, nhưng ông không tiết lộ nội dung phản hồi.

Tuấn Anh

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung tranh cãi về Đài LoanCác bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc vẫn giữ quan điểm khác biệt về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên bên lề hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nhưng nhất trí tổ chức thêm các cuộc đối thoại.