Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng Sáu tới, khi ông có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế quốc tế ở thành phố St Peterburg, hãng tin TASS dẫn lời trợ lý Tổng thống Nga cho biết.
Ngoài ra, ông Tập cũng sẽ đến thăm thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan để dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và dự một diễn đàn an ninh ở thành phố Dushanbe, Tajikistan. Trong khi đó, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hiện đang thăm Pakistan trước khi tới Hà Lan và Đức, theo nguồn tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Những hoạt động ngoại giao dồn dập này diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang căng thẳng trên nhiều mặt, bao gồm thương mại, công nghệ và Bắc Cực.
Chuyến đi sắp tới sẽ lần thứ hai ông Tập dự diễn đàn tại thành phố St Peterburg, và giới quan sát hy vọng ông Tập sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa đa phương và đề cao Trung Quốc như một quán quân của sự cởi mở và hợp tác.
Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Đây cũng sẽ là cuộc gặp lần thứ hai giữa ông Tập với ông Putin trong vòng 2 tháng, sau khi hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại diễn đàn Vành đai Con đường tại Bắc Kinh vào cuối tháng 4 vừa qua, khi ông Putin khẳng định sự ủng hộ đối với sáng kiến đầu tư và hạ tầng toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt.
Khi Trung Quốc và Nga tiến lại gần nhau hơn, cuộc gặp gần đây nhất của lãnh đạo hai nước đã thể hiện nỗ lực giải quyết trong hàng loạt vấn đề, bao gồm Venezuela, Triều Tiên, kiểm soát vũ trang và vũ khí hạt nhân, theo các nhà quan sát. Ông Tập gặp ông Putin với số lần nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào từ khi ông lên nắm quyền năm 2013.
“Lần này, có vẻ những động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, như áp thuế mới và cấm tập đoàn Huawei, sẽ là chủ đề trong cuộc gặp này”, ông Artyom Lukin, phó giáo sư công tác tại Đại học Liên bang Viễn đông tại Vladivostok nhận định.
Ông Lukin cho biết, nền kinh tế trì trệ của Nga và các biện pháp cấm vận do phương Tây áp đặt khiến nước này khó có thể trở thành một sự thay thế về thị trường và công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng ông dự đoán, Tổng thống Putin có thể mang lại “sự ủng hộ về chính trị và tinh thần cho ông Tập”.
“Điều đó cũng đáng kể khi Nga cũng đang phải chống chọi với sự trừng phạt mạnh mẽ do Mỹ đi đầu trong suốt hơn 5 năm qua”, ông Lukin nói về các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà Nga phải chịu đựng từ năm 2014.
Ông Tập và ông Putin dự kiến cũng sẽ bàn về vấn đề Venezuela, nơi nhà lãnh đạo đối lập được Mỹ hậu thuẫn Juan Guaido đang nỗ lực lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro, người vẫn được Trung Quốc và Nga ủng hộ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP |
“Moscow và Bắc Kinh sẽ không thể gây tổn thương nghiêm trọng cho Washington bằng cách tăng thuế hay từ chối tiếp cận công nghệ cao. Nhưng còn rất nhiều lĩnh vực khác nơi sự phối hợp về chính sách giữa Nga-Trung có thể gây tổn hại lợi ích của Mỹ trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Ví dụ, Moscow và Bắc Kinh có thể gia tăng sự ủng hộ cho chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để làm thất bại nỗ lực phế truất nhà lãnh đạo này của Washington”, ông Lukin cho biết.
Trung Quốc và Nga cũng đang tìm kiếm cách thức có thể tăng cường hợp tác kinh tế. Thương mại song phương đạt 108 tỷ USD trong năm 2018, còn kém xa mục tiêu 200 tỷ USD mà người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào đặt ra cho năm 2020.
Ông Li Lifan, phó giáo sư công tác tại Viện khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng thương mại song phương là một điểm trùng xuống trong quan hệ Nga-Trung. “Đây là một trong những trở ngại tiềm năng trong quan hệ Nga-Trung, và Bắc Kinh đang hy vọng giải quyết trở ngại này... trong bối cảnh phải đối mặt với khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại”, ông Li cho biết.
“Trung Quốc sẽ gia tăng hợp tác đầu tư với châu Âu và Nga, cũng như tập trung hơn vào đầu tư đa phương”, ông Li nói thêm.
Ngoài ra, chống khủng bố sẽ lại trở thành ưu tiên hàng đầu trong hội nghị SCO, trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang lo ngại về các tay súng IS trở về từ Syria và Iraq. Các học giả Trung Quốc năm ngoái ước tính khoảng 30.000 tay súng từng chiến đấu ở Syria đã về nước, trong đó có cả Trung Quốc.
“Với việc chính quyền ông Trump lên kế hoạch cho việc rút quân khỏi Afghanistan, tổ chức SCO sẽ đảm nhận trách nhiệm an ninh tại đây và quyết định khi nào sẽ huấn luyện cho binh sĩ địa phương”, ông Li nhấn mạnh.
Iran, thành viên quan sát tại SCO, bị ngăn cản trở thành thành viên đầy đủ của SCO vào năm 2008 vì bị Liên Hợp Quốc trừng phạt. Tuy nhiên, hồ sơn xin gia nhập SCO của nước này có thể sẽ được thảo luận trong hội nghị tới. Giới quan sát nhận định, đây sẽ là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Mỹ và tăng cường vai trò của SCO trên trường quốc tế, giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang căng thẳng.
Tuấn Trần