Kenneth Fong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Internet Trung Quốc tại UBS, cho biết trong một cuộc họp ngắn ở Hồng Kông ngày 30/1 rằng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong nước với các đối thủ mới và các nhà khai thác ứng dụng video ngắn, đang tăng cường mở rộng ra nước ngoài.

Theo đó, các công ty công nghệ Trung Quốc đang ngày càng tập trung vào thị trường nước ngoài, chẳng hạn như các ứng dụng mua sắm trực tuyến Shein và Temu, đều thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới.

40a49b181da0ecb0b220505e14ebb9951e62f687.jpeg
Các ứng dụng mua sắm của Trung Quốc như Shein và Temu đang khuấy đảo thị trường quốc tế.

Dữ liệu từ nền tảng phân tích ứng dụng data.ai cho thấy, Temu – thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo và có trụ sở tại Boston và Shein – được thành lập tại thành phố Nam Kinh phía đông Trung Quốc và có trụ sở chính tại Singapore, là hai ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng iOS của Apple tại Mỹ trong 30 ngày qua.

Theo ước tính sơ bộ do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước công bố hồi đầu tháng này, giá trị xuất nhập khẩu của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ (333 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 15,6% so với năm trước.

Tháng trước, Alibaba.com – nền tảng bán buôn xuyên biên giới thuộc sở hữu của Alibaba Group Holding, đã ra mắt “cơ sở dịch vụ thương mại kỹ thuật số” tại Thượng Hải để hỗ trợ các thương gia địa phương bán hàng ở nước ngoài.

Trong tháng này, một thành viên sáng lập của Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok do ByteDance sở hữu, đã bắt đầu một dự án kinh doanh mới tập trung vào thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tiếp đến, AI cũng vẫn là chủ đề chính của các công ty Internet Trung Quốc trong năm nay.

Đầu tuần này, Bắc Kinh đã phê duyệt một loạt mô hình ngôn ngữ lớn khi các công ty Big Tech và start-up trong nước chạy đua phát hành các giải pháp AI.

Song, các công ty này tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong việc tạo ra thu nhập từ các sáng kiến AI, vì “không dễ” để thuyết phục người tiêu dùng Trung Quốc trả tiền cho phần mềm, Fong nói.

Ngoài ra, việc áp dụng các giải pháp AI cũng sẽ mất thời gian khi các công ty tìm cách cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. “Khi nền kinh tế đi xuống, thật khó đề xuất bỏ ra hàng chục nghìn hoặc hàng triệu USD để mua một hệ thống AI”, Fong nói.

Gần hết tháng đầu tiên năm mới, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sụt giảm do lo ngại dai dẳng về quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và bất ổn về quy định quản lý.

Chỉ số Hang Seng chuẩn của Hồng Kông, bao gồm các cổ phiếu công nghệ đại lục như Alibaba, Tencent Holdings, Meituan và Xiaomi – hồi đầu tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

(Theo SCMP)