Bắc Kinh thường phản ứng tiêu cực khi cảm thấy các nước bắt tay nhau ở Biển Đông.

Cuộc tập trận ba bên Mỹ-Nhật-Ấn tại vùng biển của Philippines mới đây là bằng chứng cho thấy tầm nhìn của Washington về một trật tự an ninh biển mới ở châu Á, trong đó hợp nhất các sức mạnh dân chủ để đối phó với một Trung Quốc được ngày càng tỏ ra hiếu chiến.

Trong khuôn khổ một trong những cuộc tập trận phức hợp giữa ba nước mang tên Malabar, tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ và các máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm, bảo vệ vùng trời và tìm kiếm cứu hộ. Trung Quốc “đứng ngồi không yên”, phải điều một tàu hải giám theo dõi.

Lo ngại của Bắc Kinh không phải là không có cơ sở, vì cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ-Nhật-Ấn được xem là bước khởi đầu cho khả năng định ra một trật tự mới tại vùng biển châu Á nhằm chống lại các tham vọng độc chiếm Biển Đông.

{keywords}
Binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận. Ảnh Reuters

Mỹ vốn có quan hệ quốc phòng mật thiết với Nhật Bản, đang nỗ lực để làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Ấn Độ và khuyến khích New Delhi đóng một vai trò lớn hơn, không chỉ ở Ấn Độ Dương mà cả ở Thái Bình Dương. Giám đốc Trung tâm tại Ấn Độ thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, ông C. Raja Mohan nhận định việc tăng cường quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Ấn là “một sự chuyển hướng chiến lược quan trọng. Người Mỹ đang tìm kiếm những đối tác có thể chia sẻ gánh nặng”.

Gần đây, có nhiều dấu hiệu và yếu tố cho thấy mong muốn của Mỹ đang dần nhận được sự hồi đáp thiện chí từ phía Ấn Độ. Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh rằng một quan hệ đối tác mạnh giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải và an ninh của các hải trình.

Tại Hội nghị an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohan Parrikar khẳng định: “Các nước trong khu vực cần hiểu rằng sự thịnh vượng chung của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi các cách ứng xử hay hành vi hiếu chiến của bất cứ ai trong chúng ta”.

Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và là nước đông dân thứ hai thứ giới, đang lo ngại sự hiện diện hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, cũng sư sự ảnh hưởng ngày càng mạnh của Bắc Kinh ở các nước láng giềng Nam Á của Ấn Độ, nơi Bắc Kinh đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Hai nước này còn đang tranh cãi về đường biên giới dài trên bộ, nơi từng xảy ra một cuộc chiến năm 1962. Chính sự cảnh giác với Trung Quốc đã thúc đẩy sự chuyển hướng quan hệ của Ấn Độ với Mỹ từ chỗ còn nghi ngại trong thời Chiến tranh Lạnh thành một mối quan hệ ngày càng ấm nóng hơn.

Washington và New Delhi đã nhất trí hợp tác về sản xuất quốc phòng và hậu cần (với một thỏa thuận cho phép các lực lượng vũ trang hai nước sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung). Việc Ấn Độ điều hai tàu khu trục tàng hình, một tàu hộ tống hạng nhẹ có gắn tên lửa hành trình và một tàu hỗ trợ hạm đội tham gia tập trận Malabar cho thấy độ tinh vi ngày càng tăng và quy mô ngày càng lớn của cuộc tập trận này. Nhật Bản là đối tác tham gia cuộc tập trận này một cách định kỳ từ năm 2014. Trước cuộc tập trận này, các tàu Ấn Độ đã viếng thăm cảng Việt Nam và Philippines.

Trong khi đó, quan hệ Ấn Độ với Nhật Bản cũng đã được tăng cường. Hai nước đã tuyên bố một “quan hệ đối tác chiến lược” và nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác an ninh, đồng thời thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế. Trong một chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới New Delhi tháng 12/2015, hai bên cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đã làm việc với nhau về các dự án cơ sở hạ tầng ở Nam Á, một động thái nhằm làm hạn chế đà thâm nhập về kinh tế của Trung Quốc tại đây.

Tuy nhiên, trong khi tìm cách tăng cường quan hệ với nhau, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản vẫn cố tránh làm khu vực căng thẳng thêm lên. Bắc Kinh vốn thường phản ứng tiêu cực khi cảm thấy các nước bắt tay nhau kiềm chế mình./.

Thảo Linh